Đến tham dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy.
Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2023-2024, toàn ngành có 2.295 cơ sở giáo dục gồm 1.357 cơ sở công lập và 938 cơ sở ngoài công lập.
Trong đó, bậc tiểu học có quy mô học sinh lớn nhất với 632.698 học sinh, kế đến là THCS với 483.372 học sinh. Hai bậc mầm non và THPT lần lượt có 315.142 học sinh và 251.911 học sinh.
Ngoài ra, thành phố còn có 31 trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp–giáo dục thường xuyên với 43.058 học viên đang theo học.
Bình quân mỗi năm, số học sinh tăng thêm ở các cấp học khoảng 25.000 học sinh. Áp lực này dẫn đến sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn quy định, nhất là bậc tiểu học.
Dự kiến trong năm học 2024-2025, cấp THPT tăng hơn 16.000 học sinh, hai bậc mầm non và THCS tăng từ 6.000-7.000 học sinh, riêng tiểu học giảm 6.000 học sinh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá cao những kết quả ngành giáo dục và đào tạo TPHCM đã đạt được trong năm học 2023-2024. Theo đó, toàn ngành đã phát huy được những thuận lợi, khắc phục khó khăn, nỗ lực đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, bám sát nhiệm vụ trọng tâm ngay từ đầu năm học.
“Nhiều năm qua, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM phải đối mặt với nhiều thách thức như sĩ số học sinh/lớp, đội ngũ giáo viên đông thứ nhì cả nước. Điều này tạo ra áp lực trong công tác quản lý và điều hành. Ngoài ra, tình trạng đô thị hoá dẫn đến áp lực trường lớp, đòi hỏi về chất lượng giáo dục ngày càng tăng cao của phụ huynh”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhìn nhận.
Tuy nhiên, với sự chủ động và nỗ lực, ngành giáo dục và đào tạo TPHCM đã đạt nhiều kết quả đáng mừng. Trong đó, Thứ trưởng đặc biệt quan tâm những dấu ấn nổi bật trong công tác chuyển đổi số, tạo điều kiện cho học sinh chưa có hộ khẩu vẫn được tham gia học tập với quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau; đồng thời tiên phong với nhiều giải pháp, mô hình tiến bộ như lớp học thông minh, lớp học số, Đề án “Dạy và học các môn Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”…
Đặc biệt, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa qua là năm thứ 8 liên tiếp TPHCM dẫn đầu điểm thi môn tiếng Anh. Đó là kết quả của sự kiên trì thực hiện các đề án, chương trình nâng cao chất lượng giảng dạy môn tiếng Anh trong 10 năm qua.
Tới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đề nghị thành phố tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp để tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.
Cũng tại hội nghị tổng kết, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao nỗ lực, sự kiên định, mạnh dạn đổi mới của ngành giáo dục và đào tạo, trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý, tập thể sư phạm và toàn thể các thầy cô giáo.
Những thành tích nổi bật trong năm học vừa qua đã khẳng định bước đi đúng hướng trong công tác phối hợp tham mưu, chỉ đạo toàn ngành của Sở GD-ĐT, đồng thời phát huy hiệu quả của các đề án xã hội hóa giáo dục.
Trong năm học 2024-2025, Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị ngành giáo dục tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai Kế hoạch xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu UNESCO trên địa bàn TPHCM giai đoạn 2024–2030” với mục tiêu cung cấp cho tất cả mọi người dân cơ hội học tập suốt đời, bất kể tuổi tác, giới tính, trình độ học vấn hay hoàn cảnh xã hội.
Ngành giáo dục cần tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho từng cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh; tiếp tục thực hiện hiệu quả mô hình “Trường học hạnh phúc” để mỗi thầy cô giáo, học sinh cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc khi đến trường.
Thứ hai, triển khai có hiệu quả kế hoạch “Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, xây dựng TPHCM thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á.
Thứ ba, tiếp tục thực hiện theo lộ trình, đảm bảo hoàn thành các chương trình, đề án đột phá của thành phố về giáo dục như Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh; Chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”; mở rộng việc dạy đa dạng ngoại ngữ theo nhu cầu của học sinh và điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên của từng đơn vị; trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập quốc tế, trở thành công dân đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố thông minh.
Thứ tư, tăng cường hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên cả nước tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngành giáo dục cần chuẩn bị phương án hướng dẫn học sinh học tập và tổ chức kỳ thi bảo đảm an toàn, chất lượng, phù hợp tình hình của thành phố.
Ngoài ra, đảm bảo tổ chức tốt các kỳ thi học sinh giỏi, nghiên cứu khoa học và các kỳ thi khác nhằm tạo sân chơi cho học sinh rèn luyện, phát huy tư duy, năng lực, năng khiếu và sức sáng tạo.
Thứ năm, đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu, bảo đảm đủ về cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; nghiên cứu xây dựng các đề án nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thứ sáu, tập trung thực hiện các công trình thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước gồm: Chương trình giáo dục thông minh; Đề án xây dựng TPHCM - Trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước và khu vực; Công trình xây dựng 4.500 phòng học.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm học 2024-2025, ngành giáo dục và đào tạo thực hiện chủ đề năm học là “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo TPHCM”.
Trong đó, toàn ngành tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, trong đó quan tâm đối tượng là người dân tộc thiểu số, học sinh xã đảo, trẻ mồ côi, trẻ em không nơi nương tựa, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; Tăng cường công tác chính trị, giáo dục quốc phòng an ninh đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; Tiếp tục xây dựng mô hình “Trường học hạnh phúc”; Thực hiện các Đề án, Chương trình về sức khỏe, phát triển giáo dục thể chất, thể thao trường học; Triển khai kế hoạch “Chiến lược phát triển giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Tăng cường hội nhập quốc tế.
Đặc biệt, thành phố tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án phổ cập và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp TPHCM; Chương trình “Dạy và học Toán, Khoa học và tiếng Anh tích hợp chương trình Anh và Việt Nam”; Mở rộng mô hình trường học chất lượng cao “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” nhằm góp phần trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để hội nhập quốc tế.