Lượng hàng tết tăng 13,2% - 16,9%
Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, từ đầu năm 2018 đến nay, diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TPHCM tương đối ổn định, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của TP thấp hơn bình quân cả nước, CPI tháng 10-2018 tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước (cả nước tăng 3,89%).
Đối với chuỗi cung ứng hàng bình ổn thị trường (BOTT), đặc biệt là mặt hàng thịt heo, do có sự liên kết chặt chẽ giữa các nhà phân phối, sản xuất, nông trại với nhiều hợp đồng được ký kết từ trước và cam kết ổn định trong thời gian dài nên giá cả không bị tác động nhiều; hoạt động nuôi trồng, thu nhập của nông dân trong chuỗi không bị ảnh hưởng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết để phù hợp diễn biến thị trường, đảm bảo tiêu chí thực hiện Chương trình BOTT các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn TP trong năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 “thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng, ít nhất từ 5% - 10%”, Sở Tài chính TPHCM đã phối hợp các sở ngành thường xuyên cập nhật, điều chỉnh giá bán hợp lý, phù hợp từng thời điểm. Cụ thể, đợt 1 đã điều chỉnh tăng 10.000 đồng/kg cho tất cả mặt hàng, áp dụng từ ngày 21-4; đợt 2 điều chỉnh tăng 1.000 - 11.000 đồng/kg, tùy mặt hàng, áp dụng từ ngày 16-5; đợt 3 điều chỉnh tăng từ 0 - 5.000 đồng/kg, áp dụng từ ngày 7-6; đợt 4 điều chỉnh tăng từ 0 - 5.000 đồng/kg, áp dụng từ ngày 4-8 và đợt 5 điều chỉnh tăng từ 1.000 - 7.000 đồng/kg, áp dụng từ ngày 10-11.
Về lượng hàng tết, theo kế hoạch, các DN chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng giáp tết với sản lượng hàng hóa có tổng giá trị 18.424,8 tỷ đồng, tăng 612,7 tỷ đồng (3,44%) so với Tết Mậu Tuất 2018 (17.812,1 tỷ đồng); trong đó, giá trị nguồn hàng BOTT là 7.532,6 tỷ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ tết từ ngày 6-1 đến 4-2-2019 (tức từ mùng 1 đến 30 tháng Chạp Âm lịch), tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.812,1 tỷ đồng. So với kế hoạch TP giao, lượng hàng chuẩn bị tết tới đây tăng 13,2% - 16,9% và tăng 23% - 36% so kết quả thực hiện Tết Mậu Tuất 2018. Nhiều nhóm hàng được chuẩn bị với số lượng lớn, chi phối từ 32% - 58% nhu cầu thị trường như thịt gia cầm (chiếm 55,2%), trứng gia cầm (51,1%), thực phẩm chế biến (33,6%), thịt gia súc (31,7%), dầu ăn (34,5%), gạo (29,3%)...
Tăng cường kiểm soát thị trường
Theo ghi nhận của chúng tôi, đến nay công tác chuẩn bị hàng tết của các DN tại TPHCM đang có nhiều thuận lợi, cả về nguyên liệu đầu vào lẫn thời tiết. Để đảm bảo nguồn hàng cung ứng từ nay đến tết, Sở Công thương cho biết sẽ phối hợp với UBND các quận huyện và sở ngành chức năng để nắm chắc diễn biến thị trường, đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn TP; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả…
Trong đó, Cục Quản lý thị trường TP phối hợp UBND 24 quận huyện tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm đối với hàng nhập lậu, sản xuất hàng giả, kém chất lượng. Kiểm soát các địa bàn trọng điểm thường diễn ra buôn lậu, mua bán hàng cấm; có biện pháp kiểm tra hoạt động phân phối, thu mua các mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu của thương nhân nước ngoài gây xáo trộn thị trường trong nước, chất lượng sản phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng.
Chủ tịch UBND 24 quận huyện chỉ đạo trưởng ban quản lý các chợ trên địa bàn quán triệt tiểu thương cam kết 100% kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng; phối hợp các sở ngành nắm chắc diễn biến thị trường, xử lý kịp thời khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa, không để xảy ra tăng giá đột biến trên địa bàn; kịp thời tổng hợp, báo cáo diễn biến tình hình cung - cầu hàng hóa, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn, gửi về UBND TP và các sở chức năng theo quy định.
Để đảm bảo hàng tết đến tay người tiêu dùng, TP sẽ thực hiện bình quân 130 chuyến hàng lưu động/tháng. Trong 2 tháng cao điểm trước tết, triển khai 344 chuyến hàng đến các quận ven đô, huyện ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu lưu trú công nhân, công ty, xí nghiệp có đông công nhân, ký túc xá, bệnh viện… để phục vụ người lao động thu nhập thấp, không có điều kiện về quê vui tết... Sở Công thương phối hợp Sở Giao thông Vận tải giải quyết cấp giấy phép lưu thông 24/24 giờ cho xe tải tham gia Chương trình BOTT để cung ứng hàng hóa kịp thời đến các điểm bán.
Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, nhằm triển khai tốt các nội dung nêu trên, Sở Công thương phối hợp các sở ngành trong tổ thực hiện Chương trình BOTT xác định vai trò, trách nhiệm, phân công cụ thể từng cấp, từng đơn vị thành viên để triển khai đồng bộ, thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM về công tác chuẩn bị nguồn cung sản phẩm, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm của các đơn vị trong thời gian từ nay đến tết.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các sở ngành chức năng cùng sự hưởng ứng của các doanh nghiệp, kỳ vọng hàng hóa cung ứng thị trường tết sẽ dồi dào, phong phú và giá cả ổn định.