Trong đó, có 19 điểm với 28 lượt xe bán hàng lưu động theo đề xuất của các quận, huyện (gồm 1 điểm tại quận 3; quận 7 có 4 điểm; quận 8 có 1 điểm; quận 12 có 2 điểm; huyện Bình Chánh có 3 điểm; quận Bình Tân có 2 điểm; quận Bình Thạnh có 3 điểm; huyện Hóc Môn 2 điểm; quận Tân Bình 1 điểm); Viettel Post tổ chức 34 điểm với 34 lượt xe và VN Post tổ chức 22 điểm với 22 lượt xe.
Với các điểm bán do Viettel Post và VN Post tổ chức, hiện 2 đơn vị này đã trưng dụng một phần các bưu cục tại các quận, huyện để tổ chức điểm bán các mặt hàng thiết yếu, trong đó chủ yếu là hàng thực phẩm công nghệ như dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, giấy vệ sinh, bột giặt, đồ hộp… cho người dân.
Riêng tại các điểm bán do các hệ thống phân phối như Aeon, Bách Hoá Xanh, Saigon Co.op… tổ chức dã chiến trên các vỉa hè hoặc phía trước trường học. Các khu cách ly thì hàng hoá đa dạng, phong phú hơn, từ thực phẩm tuơi sống rau củ quả, thịt, cá đến các mặt hàng thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến như bánh mì, xôi… đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng.
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các điểm bán dã chiến, điển hình như điểm bán phía trước cổng trường Nguyễn Đình Chiểu, đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh), người dân xếp hàng nghiêm túc để được vào mua.
Mỗi khách hàng chỉ được mua một lượng thực phẩm nhất định, chứ không được mua quá nhiều trong cùng một lúc nhằm đảm bảo mọi khách hàng đều có thực phẩm tươi sống để dùng. Giá bán thực phẩm tươi sống tại các điểm bán vẫn ổn định và ngang bằng trong các siêu thị.
Trao đổi nhanh với PV Báo SGGP, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Nguyên Phương cho biết, sở dĩ các điểm bán dã chiến hàng hoá phong phú hơn là do các nhà phân phối tổ chức, trong khi đó các điểm bán của Viettel Post và VN Post chưa đa dạng. Do vậy, Sở Công thương đã tiến hành kết nối cho 2 đơn vị này với các nhà cung cấp hàng thực phẩm tươi sống để đưa vào bán trong thời gian sớm nhất.
Việc tổ chức các điểm hàng lưu động nhằm thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM tại công văn số 2292 và hướng dẫn triển khai công văn số 2279 để chung tay cùng TPHCM thực hiện phòng chống dịch và cung ứng hàng hoá lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ nhân dân.
Theo đó, tại các điểm bán đều được treo băng rôn, niêm yết giá cụ thể. Giá bán các mặt hàng trong danh mục bình ổn thị trường phải thấp hơn hoặc bằng với giá bán của chương trình.
Ghi nhận một vòng các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food sáng nay, không còn cảnh người dân xếp hàng dài trăm mét phía trước siêu thị để chờ mua hàng nữa, thay vào đó là lượng khách vừa phải, được siêu thị bố trí ghế ngồi giữ khoảng cách và lần lượt vào mua sắm rất trật tự.
Lúc 9 giờ 30 phút, bên ngoài siêu thị Co.opmart Chu Văn An (quận Bình Thạnh), không còn cảnh người xếp hàng rồng rắn mà chỉ có vài xe máy đậu chờ người thân vào bên trong mua sắm. Bên trong sảnh chờ, có khoảng 30 khách hàng đang được xếp thành những hàng giữ khoảng cách với nhau, ngồi chờ tới lượt để vào khu tự chọn.
Tại các gian hàng của khu tự chọn, có khoảng 20 khách chọn mua thực phẩm, nhu yếu phẩm. Nhìn chung, hàng hóa tại các siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile sáng nay khá dồi dào, hàng rau lá khoảng chục loại, các loại rau củ quả như cải bắp cải, cà chua, khoai lang, bưởi, cam cũng rất nhiều. Tại quầy thịt cũng ghi nhận thịt gia cầm, thịt gia súc, thịt tươi, thịt mát, thịt đông lạnh cũng đầy kệ.
Theo bà Bùi Thị Giáng Thu, Giám đốc siêu thị Co.opmart Chu Văn An, siêu thị đã chủ động phát phiếu hẹn giờ cho khách để hạn chế tối đa việc người dân dồn về siêu thị cùng lúc.
Song song đó, để điều phối lưu lượng khách bên trong hợp lý, siêu thị bố trí chổ ngồi và mời mỗi lượt 10 khách vào mua sắm và quy định mỗi lượt khách chỉ mua sắm từ 20 phút đến 40 phút để nhường cho lượt khách kế tiếp.
Mô hình phát phiếu hẹn giờ của siêu thị Co.opmart Chu Văn An đang tỏ ra khá hiệu quả, giảm lượng khác dồn về cùng lúc đáng kể. Theo siêu thị, chỉ cần có nhu cầu mua sắm, bất kỳ người dân nào cũng có thể đến trước siêu thị để nhận phiếu hẹn giờ.
Khi nhận được phiếu, khách chỉ cần đến đúng giờ sẽ được siêu thị tạo điều kiện tối đa để mua sắm, không nên đến sớm hoặc trễ vì cũng sẽ không được giải quyết mà phải lấy phiếu lại từ đầu.
Tuy nhiên, một số khung giờ thấp điểm, ít khách, siêu thị sẽ linh động giải quyết cho khách vãng lai chưa có phiếu.
Như vậy, trung bình mỗi ngày, siêu thị Co.opmart Chu Văn An chủ động chia khách ra khoảng 12 khung giờ để hẹn giờ phục vụ mua sắm giúp giảm tải rất nhiều cho công tác điều phối chung và công tác tuân thủ 5K tại siêu thị, đồng thời cũng thuận lợi hơn trong việc chăm hàng lên kệ.
Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), đơn vị chủ quản của hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.opSmile cho biết, lượng hàng hóa tươi đang nhập về TPHCM ngày càng nhiều do giao thông dần được khai thông, cộng với lượng dữ trữ hàng mát, hàng đông lạnh, hàng bình ổn giá… sẽ đảm bảo cung ứng ra thị trường ổn định nhiều tháng tới nên người dân không bao giờ sợ thiếu hàng.
Do vậy, chỉ cần có sự phối hợp hỗ trợ mua sắm tiêu dùng hết sức vừa phải, trách nhiệm của người dân thì ai cũng sẽ mua được lương thực thực phẩm với giá tốt và đồng thời còn an toàn khi đến siêu thị.
Hiện phương pháp phát phiếu hẹn giờ đang được Saigon Co.op từng bước áp dụng mở rộng tại các Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile khu vực cao điểm để tránh người dân dồn về siêu thị cùng một thời điểm, giảm tối đa hiện tượng tắc nghẽn và không đảm bảo 5K.