Trước đó, tại phần sơ kết học kỳ 1 năm học 2023-2024, Phó Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) Nguyễn Minh Thiên Hoàng, cho biết, hiện nay các chính sách, chế độ trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc học sinh khuyết tật và phụ cấp cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật đến học hòa nhập được các trường thực hiện theo đúng quy định.
Trong đó, việc tiếp nhận học sinh khuyết tật đến học hòa nhập tại các trường phổ thông ngày càng mở rộng. Chất lượng chăm sóc, giáo dục học sinh được nâng cao, thường xuyên thực hiện công tác truyền thông và tư vấn giúp nâng cao hiệu quả vận động trẻ trong độ tuổi ra lớp.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, các trường chuyên biệt hiện nay còn khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu trang thiết bị, đồ dùng dạy học đặc thù cho trẻ khuyết tật, diện tích sân chơi nhỏ nên ảnh hưởng hoạt động giáo dục thể chất cho học sinh.
Bên cạnh đó, sĩ số học sinh/lớp đông, giáo viên không đủ thời gian dạy cá nhân cho học sinh. Phần lớn giáo viên hòa nhập chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ đặc thù theo từng dạng tật nên khó khăn trong việc chọn phương pháp giảng dạy phù hợp.
Đặc biệt, nhiều phụ huynh chưa chấp nhận khuyết tật của con nên không đưa trẻ đến cơ quan chức năng và địa phương xác định dạng tật, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân cho học sinh.
Để khắc phục những khó khăn đó, theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Bảo Quốc, các trường phổ thông cần tăng cường phối hợp, học hỏi kinh nghiệm từ các trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập.
Song song đó, bên cạnh sự chăm lo, hỗ trợ của các cơ quan quản lý, cơ sở giáo dục cần chủ động thực hiện chủ trương xã hội hóa để tăng thêm nguồn lực, qua đó nâng cao hiệu quả giáo dục.