Tôn vinh 73 “đóa hồng thầm lặng”
Phát biểu tại buổi giao lưu, bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục TPHCM cho biết, một trong những khó khăn, thách thức của nhà giáo trong thời kỳ hội nhập là làm thế nào cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, tinh thần và vật chất, quán tính của phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp đổi mới, dạy học theo hướng cá thể hóa.
“Những đóa hồng thầm lặng” không chỉ là danh hiệu mà là sự ghi nhận những tấm gương sáng về lòng nhân ái, lương tâm và trách nhiệm với nghề dạy học của đội ngũ thầy, cô giáo đang công tác tại các cơ sở giáo dục khuyết tật và giáo dục hòa nhập trên địa bàn TPHCM.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong cuộc sống, các thầy, cô vẫn luôn nỗ lực vượt khó để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững và nâng cao uy tín nhà giáo trong xã hội.
Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục bày tỏ, để thực hiện công tác giáo dục trẻ khuyết tật, các thầy, cô phải thật sự có lòng kiên trì, nhẫn nại và cả sự hy sinh. Học sinh khuyết tật sẽ không thể nhớ rõ, nhớ lâu về những người thầy đã từng kiên nhẫn, vất vả chăm sóc và dạy dỗ các em. Nhưng với trái tim tràn đầy yêu thương, các thầy, cô giáo đã nâng đỡ, từng bước giúp học sinh vượt qua những khó khăn trong học tập và cuộc sống, trở thành người có ích trong xã hội.
Trăn trở của người thầy
Chia sẻ tại buổi giao lưu, cô Phạm Thị Kim Loan, chuyên viên phụ trách công tác giáo dục tiểu học và giáo dục đặc biệt, Phòng GD-ĐT quận 10 cho biết, mỗi đứa trẻ đều là một cá nhân đặc biệt, có những nhu cầu và năng lực nhất định.
Do đó, trẻ khuyết tật dù có những hạn chế nhất định về thể chất, ngôn ngữ, hành vi nhưng nếu được hỗ trợ phù hợp, các em sẽ có những khả năng phát triển riêng. Nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho các em được tham gia nhiều hoạt động khác nhau để góp phần phát triển năng lực riêng của trẻ.
Cô Kim Loan chia sẻ, dù tính chất công việc vất vả với những đặc thù riêng nhưng hiện nay chưa có chế độ hỗ trợ đối với nhân viên ở các trường chuyên biệt và cán bộ quản lý tại cơ sở giáo dục thực hiện công tác giáo dục hòa nhập.
Thêm vào đó, học sinh khuyết tật hiện nay vẫn chịu nhiều thiệt thòi khi chưa có chương trình giáo dục kỹ năng sống và hướng nghiệp phù hợp, làm giảm cơ hội hòa nhập cộng đồng và trở thành người có ích của chính các em.
Ở góc độ khác, với cô Đinh Lan Phương, giáo viên dạy trẻ đa tật, Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, mối quan hệ giữa giáo viên, phụ huynh và nhà trường như "kiềng ba chân", thiếu một chân thì học sinh khuyết tật không thể nào phát triển.
Việc giáo dục không chỉ là trách nhiệm của giáo viên và nhà trường mà cần sự hỗ trợ rất nhiều từ phía phụ huynh bởi trẻ khuyết tật học rất nhiều thông qua thực hành và trải nghiệm.
Bản thân cũng là một người khuyết tật, cô Đinh Lan Phương hiểu rất rõ những khó khăn của người khuyết tật, sự lo lắng, kỳ vọng của ba mẹ và người thân trong gia đình. Vì vậy, với trái tim đồng cảm, cô giáo trẻ đã dùng tình thương và sự kiên nhẫn của mình rèn cho học sinh từ cách cầm muỗng, thay đồ đến nghuệch ngoạc những nét chữ đầu đời.
Với cô giáo trẻ, hạnh phúc đôi khi chỉ là những câu nói tròn vành rõ chữ của học trò, những cái ôm, tiếng gọi “cô ơi” bình dị nhưng có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Nhân vật cuối cùng trong buổi giao lưu là cô Tạ Lê Nhật Vy, giáo viên dạy hòa nhập Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (quận 1). Cô tâm sự, kết quả tiến bộ của học sinh chính là minh chứng rõ ràng nhất cho những nỗ lực của người thầy.
Với những nỗ lực riêng, các thầy, cô luôn hết mình với trách nhiệm được giao phó, phấn đấu để “không một học sinh nào bị bỏ lại phía sau”.
Dịp này, Công đoàn ngành giáo dục TPHCM cũng tuyên dương và khen thưởng các tập thể và cá nhân đạt giải qua các hội thi “Tổ chức công đoàn - Nghĩa tình mùa dịch”, Hội thi viết bài với chủ đề “Tình người trên tuyến đầu phòng chống dịch Covid-19” và sáng tác video clip với chủ đề “Hạnh phúc ngày trở lại trường”.