Thay mặt lãnh đạo thành phố, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy gửi lời chúc mừng đến 10 cán bộ quản lý (CBQL), nhà giáo tiêu biểu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN) vinh dự được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa lần thứ 2 năm 2024.
Đồng chí Trần Thị Diệu Thúy khẳng định, GDNN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, là nơi cung ứng nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động. Thành tích của các cơ sở GDNN, các nhà giáo GDNN trong thời gian qua thật đáng tự hào.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, GDNN là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.
Vì vậy, giải thưởng tôn vinh các CBQL, nhà giáo GDNN của thành phố được mang tên của Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa đem đến niềm vinh dự, tự hào to lớn cho mỗi cá nhân đạt giải thưởng.
“Tôi tin rằng, trong khối GDNN thành phố, còn rất nhiều nhà giáo tiêu biểu, ưu tú, có nhiều cống hiến cho sự nghiệp dạy nghề sẽ đạt giải thưởng vinh dự này trong thời gian tới”, đồng chí Trần Thị Diệu Thúy chia sẻ.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy đề nghị lãnh đạo các cơ quan chủ quản, lãnh đạo các cơ sở GDNN tiếp tục quan tâm nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBQL và nhà giáo GDNN; hàng năm có kế hoạch rèn luyện, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ... cho các nhà giáo trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Cùng với đó, tăng cường thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội cho người học về vai trò, vị trí của học nghề. Tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển đội ngũ CBQL, nhà giáo GDNN.
Vinh dự là 1 trong 10 nhà giáo GDNN được nhận giải thưởng lần này, cô Đặng Thanh Tâm, Giảng viên Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải TPHCM xúc động: “Bản thân tôi cũng như các thầy cô, để đạt được vinh dự này đồng nghĩa luôn nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt công việc, tích cực tham gia các sân chơi của ngành GDNN cấp thành phố và toàn quốc. Tôi hy vọng Giải thưởng Trần Đại Nghĩa sẽ được tổ chức thường xuyên, định kỳ hàng năm để nhiều thầy cô được tham gia, ghi nhận”.
Trước đó, báo cáo của Sở LĐTB-XH TPHCM cho biết, hiện TPHCM có hơn 370 cơ sở GDNN, với gần 16.000 CBQL, nhà giáo. Trong đó, có 2.488 CBQL (chiếm 15,58%); 13.485 nhà giáo (84,42%); 100% nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ.
Đội ngũ CBQL, nhà giáo GDNN phát triển cả về số lượng và chất lượng góp phần quyết định chất lượng dạy nghề của thành phố. Nhà giáo GDNN có trình độ kỹ năng nghề thành thạo, tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, có nhiều mô hình giải pháp được ứng dụng vào thực tiễn giảng dạy, đạt nhiều thành tích cao trong các phong trào thi đua, hoạt động học thuật cấp TPHCM và cấp quốc gia.
Nhiều thầy, cô không chỉ là tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo mà còn giỏi chuyên môn, có kỹ năng, tay nghề cao, những “bàn tay vàng” để hướng nghiệp, đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên.
Qua đó, giúp thành phố hàng năm đạt, vượt các chỉ tiêu trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thành phố.
Nhân dịp này, Sở LĐTB-XH TPHCM khen thưởng các nhà giáo GDNN đạt Giải thưởng Hội giảng nhà giáo GDNN toàn quốc và cho các tập thể, học sinh sinh viên đạt giải tại Hội diễn văn nghệ GDNN cấp thành phố lần thứ 1 năm 2024.
Năm 2024, TPHCM có 10 CBQL, nhà giáo GDNN đạt giải, gồm 9 CBQL và 1 nhà giáo.
Trong đó, các thầy cô giáo đạt giải gồm: thầy Lương Xuân Thành, cô Nguyễn Thị Dạ Thảo, Tạ Thùy Chi, Lê Minh Thu đang công tác tại Trường Trung cấp Múa TPHCM; thầy Nguyễn Đức Lợi, cô Đặng Thanh Tâm đến từ Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TPHCM; thầy Đinh Văn Đệ, Trần Nguyên Bảo Trân, Nguyễn Anh Tuấn (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Lý Tự Trọng, TPHCM) và thầy Nguyễn Quang Nguyên (Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM).