Theo đó, kỳ thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025 tại các trường học sẽ diễn ra trong 3 ngày: 26, 27 và 28-5.

Đối tượng tham gia kỳ thi thử là 100% học sinh lớp 12 đang theo học tại các trường THPT công lập, ngoài công lập, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, với tổng số hơn 100.000 học sinh.
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các cơ sở giáo dục tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT năm 2025 đảm bảo an toàn, nghiêm túc; giáo viên coi thi và học sinh dự thi thực hiện theo đúng quy chế thi của Bộ GD-ĐT.
Trong đó, đối với công tác ra đề, các đơn vị phải thành lập tổ ra đề thi. Mỗi môn thi có một tổ ra đề gồm giáo viên có chuyên môn vững, kinh nghiệm trong giảng dạy và ra đề thi. Tổ trưởng chuyên môn chịu trách nhiệm phân công và giám sát quá trình ra đề.
Nguyên tắc ra đề thi phải đảm bảo bám sát cấu trúc đề thi chính thức của Bộ GD-ĐT, nội dung kiến thức nằm trong chương trình THPT, tập trung vào lớp 12; đảm bảo tính chính xác, khoa học và tính giáo dục. Đề thi phải có độ phân hóa phù hợp với 70% kiến thức cơ bản, 20% kiến thức nâng cao, 10% kiến thức vận dụng sáng tạo.
Đối với quy trình ra đề thi, các trường phải thực hiện qua các bước:
Bước 1: Họp tổ chuyên môn thống nhất ma trận đề thi
Bước 2: Giáo viên được phân công soạn thảo đề thi và đáp án
Bước 3: Tổ ra đề thẩm định, chỉnh sửa
Bước 4: Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn duyệt đề
Bước 5: Bảo mật, in sao đề thi

Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu, đề thi thử tốt nghiệp THPT phải đảm bảo tính bảo mật nghiêm ngặt, đề thi được soạn thảo trong phòng không có kết nối Internet; các thành viên tham gia ra đề không được mang thiết bị lưu trữ, ghi âm, điện thoại vào khu vực ra đề; đề thi sau khi hoàn thiện được niêm phong và bảo quản trong tủ có khóa bảo mật.
Nhà trường phân công cán bộ coi thi, giám sát theo đúng quy định; bố trí phòng thi đảm bảo các điều kiện về ánh sáng, khoảng cách và số lượng thí sinh theo quy định; thực hiện nghiêm túc quy trình coi thi từ phát đề thi đến thu bài thi và xử lý các tình huống phát sinh theo thẩm quyền.
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu, các trường tổ chức chấm thi theo đúng quy trình chấm thi của Bộ GD-ĐT, gồm: thành lập các tổ chấm thi bảo đảm chuyên môn và khách quan; thực hiện chấm hai vòng độc lập đối với bài thi tự luận; chấm bài thi trắc nghiệm bằng phần mềm theo quy định.
Việc tổ chức kỳ thi thử nhằm giúp học sinh, giáo viên làm quen với phương thức thi mới và thực hiện các quy định về quy chế thi tốt nghiệp THPT, dự báo các tình huống phát sinh khi tổ chức kỳ thi. Song song đó, giáo viên các trường phổ thông cũng được tập huấn về nghiệp vụ, quy chế thi theo quy định.