Các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, đồng chủ trì hội thảo
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo TPHCM trao đổi trước khi hội thảo diễn ra |
Phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải nhấn mạnh, trong những năm kháng chiến chống xâm lược giành độc lập, tự do cho đất nước; lịch sử cách mạng hào hùng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ mãi khắc ghi tên tuổi của những chiến sĩ cộng sản, những người lãnh đạo, những nhà quân sự tài năng, đức độ, bản lĩnh. Một trong những nhà quân sự tài năng, đức độ, bản lĩnh đó là Trung tướng Nguyễn Bình.
Đồng chí Nguyễn Bình tên là Nguyễn Phương Thảo, sinh ngày 30-7-1908 tại thôn Yên Phú, xã Tịnh Tiến (nay là xã Giai Phạm), huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. Ngay từ nhỏ, đồng chí ra Hải Phòng ăn học và có điều kiện tiếp xúc với nhiều trí thức thông qua hoạt động của anh trai mình là Nguyễn Thế Nức - người trí thức yêu nước, tham gia sáng lập Hội Trí Tri và Hội Dục Anh.
Quang cảnh hội thảo |
Đồng chí Phạm Đức Hải cũng thông tin đến đại biểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình từ năm 1925 (khi mới 17 tuổi), với nhiều lần bị địch bắt, bị đày ra Côn Đảo, nhưng ý chí chống giặc ngoại xâm của Trung tướng không bao giờ lung lay.
Năm 1945, đồng chí Nguyễn Bình được Bác Hồ tin cậy cử vào chỉ huy cuộc kháng chiến ở Nam Bộ. Ngay khi vào đến Nam bộ, ngày 22-10-1945, đồng chí Nguyễn Bình đã viết bản Thông cáo số 1 gửi nhân dân Nam bộ. Không chỉ kêu gọi, ngày 20-11-1945, đồng chí Nguyễn Bình lấy tư cách là phái viên của Chính phủ Trung ương đã mời tất cả chỉ huy các lực lượng vũ trang ở Nam bộ về họp tại An Phú Xã.
Dưới sự chủ trì của đồng chí, hội nghị nhanh chóng thống nhất đặt tên các đơn vị thành chi đội, bầu đồng chí Nguyễn Bình là Tư lệnh Quân Giải phóng Nam bộ. Ngày 6-1-1946, đồng chí triệu tập hội nghị để thống nhất các chi đội, phân đội vũ trang nội thành, lấy tên là Ban Công tác thành, có nhiệm vụ vừa tiêu diệt địch, vừa tuyên truyền, vận động nhân dân kháng chiến ở nội thành. Đây cũng chính là tiền thân của lực lượng vũ trang biệt động Sài Gòn.
Hội thảo thu hút đông đảo các đại biểu tham dự |
Tháng 6-1946, đồng chí Nguyễn Bình được Trung ương Đảng phê chuẩn kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Tháng 1-1948, đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Trung tướng và là vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Năm 1951, đồng chí được Trung ương triệu tập ra Bắc báo cáo tình hình Nam bộ. Trên đường thi hành nhiệm vụ, đồng chí bị địch phục kích và hy sinh ngày 29-9-1951 tại Campuchia. Năm 2000, Đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy và đưa hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình về nước và mai táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM. Đồng chí Nguyễn Bình được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
“Đồng chí Nguyễn Bình sớm hy sinh, nhưng công lao của đồng chí đối với Tổ quốc và nhân dân ta mãi còn đó”, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Đức Hải nhấn mạnh.
Đồng chí thông tin thêm, trong Quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ những đóng góp của đồng chí đối với công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, đối với cuộc kháng chiến. Riêng với những đóng góp của đồng chí Nguyễn Bình đối với Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đã góp phần lớn vào việc chỉnh đốn, xây dựng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất Nam bộ”.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải phát biểu khai mạc và báo cáo đề dẫn hội thảo |
Trong khuôn khổ hội thảo, đồng chí Phạm Đức Hải đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ những vấn đề chung về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng, tài năng, bản lĩnh của đồng chí Nguyễn Bình - vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Cùng với đó, cùng thảo luận, tìm hiểu những đóng góp của Trung tướng Nguyễn Bình tại chiến trường miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp; những bài học quý giá được rút ra từ cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình và vận dụng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc…