Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng, lãnh đạo các phòng ban thuộc sở; lãnh đạo Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) TPHCM; lãnh đạo VPĐKĐĐ 22 quận, huyện và TP Thủ Đức.
Nhiều đơn chi nhánh hồ sơ trễ hẹn còn cao
Phó Giám đốc VPĐKĐĐ TPHCM Lê Thành Phương báo cáo, trong quý I, văn phòng đã giải quyết 86.875 hồ sơ các loại của tổ chức, cá nhân, trong đó có 45.151 hồ sơ của tổ chức, cá nhân tạo nguồn thu cho ngân sách (thuế thu nhập cá nhân và thuế trước bạ) 2.199 tỷ đồng. Đồng thời tạo ra nguồn vốn cho sự phát triển kinh tế từ giá trị thế chấp, giá trị chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất đạt 323.400 tỷ đồng.
Tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn của toàn hệ thống VPĐKĐĐ đối với tất cả thủ tục hành chính là 5,76% (4.744/114.345 hồ sơ, có 10/22 chi nhánh có tỷ lệ trễ hạn trên 2%), trong đó thuộc trách nhiệm của cơ quan đăng ký là 1,41% (1.135 hồ sơ), thuộc trách nhiệm của cơ quan ký duyệt hồ sơ và cơ quan phối hợp là 8,60% (3.639 hồ sơ).
Đối với hồ sơ dự án nhà ở, từ đầu năm 2024 đến nay, Sở TN-MT đã duyệt 23 văn bản về thẩm định đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận. Trong đó, 3 tháng đầu năm 2024 tiếp nhận 2.243 hồ sơ (giảm 55% so với cùng kỳ) và đã cấp 3.078 giấy chứng nhận (cộng dồn hồ sơ còn lại của năm 2023).
Về nguyên nhân trễ hạn, theo báo cáo của các đơn vị, hồ sơ trễ hạn do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, trong đó chủ yếu gồm các nguyên nhân, như công tác phối hợp với cơ quan thuế.
Cụ thể, thời gian giải quyết hồ sơ của Chi cục Thuế TPHCM, kể cả thời gian trả hồ sơ yêu cầu chỉnh sửa, đa phần trễ so với thời gian quy định; nhiều trường hợp yêu cầu bổ sung thêm hồ sơ không theo quy định tại Thông tư liên tịch số 88/2016/TTLT-BTC-BTNMT ngày 22-6-2016.
Một nguyên nhân nữa là do Chi cục Thuế TPHCM xác minh giá mua bán đối với đa số hồ sơ chuyển nhượng dẫn đến hồ sơ của các chi nhánh bị đánh giá trễ hạn và chi nhánh phải thường xuyên giải trình nguyên nhân trễ hạn cho người dân. Nội dung kê khai của người dân trên các tờ khai thuế chưa đầy đủ, chờ người dân bổ sung, chỉnh sửa theo yêu cầu của Chi cục Thuế TPHCM.
Công tác phối hợp các UBND cấp xã và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và các cơ quan khác vẫn còn chậm. Các trường hợp nhà đất cấp giấy chứng nhận lần đầu đa phần đều là những trường hợp có vướng mắc về pháp lý (giấy tờ, nguồn gốc nhà đất không rõ ràng, mua bán bằng giấy tay, thừa kế có yếu tố nước ngoài, có phát sinh thay đổi hiện trạng nhà không phép, sai phép) nên quá trình nghiên cứu, thụ lý, xác minh hồ sơ cũng mất nhiều thời gian. Một số UBND phường và các phòng ban chuyên môn trả lời xác minh về nguồn gốc, thông tin quy hoạch bị chậm trễ, thiếu thành phần hồ sơ xác minh.
Giấy chứng nhận đã cấp theo các quy định pháp luật trước Luật Đất đai 2013, nhiều trường hợp chưa được cập nhật theo hệ tọa độ VN-2000 nên nay cập nhật thông tin trên vào cơ sở dữ liệu địa chính thì phát sinh nhiều trường hợp chồng ranh, lấn thửa, sai vị trí cũng cần sự phối hợp giữa các đơn vị để xử lý.
Một số hồ sơ đăng ký thay đổi, bổ sung tài sản cần phối hợp với thanh tra xây dựng, UBND phường thời gian quy định cho công tác phối hợp quá ngắn, không đảm bảo dẫn đến ảnh hưởng tiến độ hồ sơ. Do hồ sơ xóa nợ, đính chính cần phải lục hồ sơ lưu trữ cũng gây trễ hạn chung trong việc giải quyết hồ sơ; hồ sơ phải có văn bản gửi cơ quan điều tra, tòa án, thi hành án… nên dẫn đến trễ hạn.
Phần mềm liên thông thuế hiện nay là sự liên kết giữa 2 phần mềm chuyên ngành đất đai và Chi cục Thuế, nên nhiều trường hợp nội dung kê khai của người dân trên các tờ khai thuế còn chưa đầy đủ, chi nhánh tiếp nhận chuyển Chi cục Thuế thì bị trả về đề nghị bổ sung dẫn đến hồ sơ bị trễ; có một số trường hợp dữ liệu truyền bị lỗi, vẫn phải vừa làm, vừa sửa lỗi kỹ thuật nên ảnh hưởng tới thời gian giải quyết hồ sơ.
Bên cạnh đó còn một số nguyên nhân chủ quan, như bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (1 cửa) nhận sai quy trình (ví dụ các hồ sơ đăng ký biến động, cấp mới 15 ngày làm việc lại nhận quy trình cấp đổi 7 ngày làm việc) dẫn đến kết quả thống kê theo loại quy trình là trễ hạn.
Một số viên chức, người lao động còn hạn chế về xác định pháp lý, nhận định chưa đúng; chậm trong tham mưu trình hồ sơ… Do thiếu nhân sự, khi nhân viên nghỉ việc thì các thụ lý được phân giải quyết hồ sơ tồn lại vừa nhận giải quyết hồ sơ mới, việc chưa chủ động sắp xếp thời gian giải quyết hợp lý dẫn đến giải quyết hồ sơ bị trễ hẹn.
Tìm giải pháp khắc phục nguyên nhân trễ hẹn
Phát biểu chỉ đạo, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, những chi nhánh có hồ sơ trễ hẹn cần phải nhanh chóng phân tích nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục trong quý tới; những vấn đề nào thuộc thẩm quyền của ngành thì tập trung khắc phục ngay, những vấn đề nào ngoài thẩm quyền của Sở TNMT thì tham mưu, đề xuất để Sở TN-MT báo cáo, tham mưu lãnh đạo TPHCM có có sự chỉ đạo để có sự phối hợp giữa quận, huyện, TP Thủ Đức và các sở, ngành với ngành TN-MT trong công tác cấp giấy chứng nhận cũng như các công tác khác của ngành TN-MT. Có quyết tâm như vậy thì mới đạt được tỷ lệ hồ sơ đúng hẹn 98% như UBND TPHCM đã giao.
Theo ông Thắng, việc liên thông giữa cơ quan thuế với VPĐKĐĐ TPHCM và các chi nhánh đã có quy chế phối hợp. Tuy nhiên thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập. Do đó sắp tới Sở TN-MT sẽ báo cáo lãnh đạo TPHCM để tháo gỡ những vướng mắc đang tồn tại hiện nay.
“TP Thủ Đức là đơn vị có lượng hồ sơ nhiều nhất trong 22 chi nhánh, nhưng trong quý I đã có 100% hồ sơ giải quyết đúng hẹn. Đây là vấn đề đáng quan tâm, các đơn vị khác cũng cần tham khảo, trao đổi để rút kinh nghiệm cho đơn vị mình, nhất là sự phối hợp với địa phương, phường xã, cơ quan thuế”, ông Thắng chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở TN-MT, hiện nay VPĐKĐĐ TPHCM còn tồn đọng, 3 nhiệm vụ cần phải tập trung hoàn thiện trong quý II, như: đề án vị trí việc làm; hoàn thiện chức năng nhiệm vụ của từng phòng ban; ban hành quy trình phân loại đơn thư. Ngoài ra cần tập trung cấp giấy chứng nhận tại các dự án nhà ở; quy trình xử lý, giải quyết hồ sơ nhà đất cho người dân doanh nghiệp cần thống nhất, đúng quy định chứ không thể nơi này làm được nhưng nơi kia lại không.