Họp chợ… trên xe
Ghi nhận cho thấy, chợ tự phát trên đường Hoàng Hoa Thám (phường 5, quận Bình Thạnh) vẫn hoạt động theo kiểu “cầm hơi”, dù cuối chợ có băng rôn cảnh báo chính quyền địa phương sẽ xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán trên lòng đường, vỉa hè. Nhiều người buôn bán theo kiểu “di động”, tay xách nách mang hoặc đặt kệ hàng, rau củ quả, thịt cá trên xe đạp, xe gắn máy. “Không cho họp dưới đất thì chuyển sang bán hàng rong, di động, họp chợ luôn trên xe đẩy, xe ba gác. Cán bộ tới thì chạy”, một tiểu thương bán trên xe đẩy thổ lộ.
Nhộn nhịp nhất trong các chợ tự phát “nhờn” chỉ đạo của thành phố phải kể đến chợ trên đường Vũ Tùng (phường 1, quận Bình Thạnh, phía sau chợ Bà Chiểu). Hai đầu chợ đã có hàng rào, chính quyền địa phương cũng đã treo băng rôn tuyên truyền nhưng bên trong lại như chưa hề có lệnh giãn cách. Nhiều sạp hàng tràn ra vỉa hè để buôn bán, bày biện ngay trước cửa nhà dân.
Theo quan sát của PV Báo SGGP, hàng rong, xe đẩy buôn bán lén lút, không có lực lượng chức năng thì bày ra bán, khi có lực lượng kiểm tra lại dời đi hoặc lấy bạt phủ lên. “Canh giờ cán bộ trật tự đi thì mình mới ra. Hàng hóa để trong nhà, khách hỏi mua món gì thì lấy món đó”, một tiểu thương cho biết.
Dù không tập trung như trước nhưng sáng 28-6, trên đường Nguyễn Ngọc Phương, cách rào chắn cửa sau chợ Thị Nghè (quận Bình Thạnh) vài bước chân vẫn còn một số tiểu thương tụ tập buôn bán. Tương tự, một vài tiểu thương bày hoa quả ngay trên lề đường Nguyễn Thị Tần, kế cổng chợ Rạch Ông (phường 2, quận 8). Ghi nhận các chợ tự phát trên đường Chu Văn An, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh); Phạm Huy Thông, Dương Quảng Hàm, Thống Nhất (quận Gò Vấp); đường 26, phường Phước Long A, TP Thủ Đức… vẫn tập trung hàng chục xe đẩy tự chế, hàng quán vỉa hè ngang nhiên mua bán nhộn nhịp. Người mua, người bán túm tụm, không đảm bảo khoảng cách phòng chống dịch.
Vào giờ tan tầm buổi chiều, người dân có thói quen tới các chợ tự phát mua sắm. Nhiều tiểu thương đối phó bằng cách chỉ mở hé cửa, bày thực phẩm bán trong nhà, khi phát hiện lực lượng chức năng kiểm tra sẽ kéo cửa lại.
Thời điểm để lập lại trật tự, mỹ quan đô thị
Trong khi đó, một số chợ tự phát trên đường Huỳnh Tấn Phát (đoạn vào KCX-KCN Tân Thuận, quận 7), Tân Mỹ (quận 7), Hiệp Bình (TP Thủ Đức), ngã ba Võ Văn Kiệt - Nguyễn Thái Học (quận 1), chợ Bàu Sen (phường 3, quận 5), xung quanh chợ Thị Nghè, trên đường Ngô Tất Tố, Võ Duy Ninh (quận Bình Thạnh)… đều bị giăng dây, chốt chặn, đồng thời thường xuyên có cán bộ trật tự đô thị kiểm tra, giám sát.
“Thực hiện Chỉ thị số 10 của UBND TPHCM về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, phường kiên quyết tạm dừng hoạt động chợ tự phát từ ngày 20-6. Hơn 1 tuần qua, chính quyền địa phương đã tập trung lực lượng giăng dây, chốt chặn, lập hàng rào để chấn chỉnh tình hình”, một cán bộ phường 21, quận Bình Thạnh cho biết.
Tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, các chợ truyền thống, đầu mối như: Sơn Kỳ (quận Tân Phú), chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Bình Điền (quận 8), chợ Thái Bình (quận 1)… đang tạm bị phong tỏa. Từ đó nảy sinh “đội quân” hàng rong, di động len lỏi vào các khu dân cư, ngõ hẻm, túm tụm họp chợ trái phép. Do đó, để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, chính quyền địa phương cần quyết liệt mọi thời điểm và sự hỗ trợ tích cực của người dân. Ngoài ra, cần mở rộng các hệ thống siêu thị mini, cửa hàng bình ổn giá được đảm bảo biện pháp phòng chống dịch để đáp ứng nhu cầu của người dân. Mặt khác, theo các chuyên gia đô thị, đây cũng là thời điểm thích hợp để chính quyền các địa phương chấn chỉnh tình trạng chợ tự phát, lập lại trật tự và mỹ quan đô thị.
Ghi nhận ngày 29-6 tại một số cửa hàng tiện lợi, siêu thị cho thấy, để hạn chế rủi ro xảy ra sự cố lây nhiễm, các siêu thị đều triển khai nhiều biện pháp phòng chống dịch. Tại Co.opmart Nhiêu Lộc, Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu (quận 3), Co.opmart Cống Quỳnh (quận 1), Big C Miền Đông (quận 10)…, lượng khách thưa thớt hơn mọi khi. Các nhân viên bảo vệ luôn túc trực trước cửa ra vào để hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn.
Ngoài ra, các siêu thị bố trí cho từng tốp người vào mua sắm nhằm kiểm soát được số lượng người vào bên trong cùng một lúc và giữ khoảng cách an toàn. Khi đến mua sắm, người dân sẽ được ngồi theo từng ghế đã được sắp xếp sẵn, khoảng cách 1,5m để đợi đến lượt mua hàng.