Chiều 23-12, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn dưới sự chủ trì của Phó trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải.
2 bệnh viện đã mua kit test của Công ty Việt Á
Liên quan đến việc các cơ sở y tế tại TPHCM mua và sử dụng sản phẩm của Công ty cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, khoảng đầu tháng 6, khi diễn biến dịch của thành phố có chiều hướng phức tạp, số ca mắc trong cộng đồng có xu hướng tăng, việc điều tra, truy vết phải tiến hành khẩn trương.
Trước tình hình đó, lãnh đạo TP kêu gọi tất cả tầng lớp nhân dân cùng tham gia chống dịch. Nhiều đơn vị, trong đó có Công ty Việt Á có gửi đơn về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM để đề nghị cùng tham gia mở rộng tăng năng lực xét nghiệm trên địa bàn thành phố trong thời điểm mà thành phố rất cần.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM có văn bản gửi Sở Y tế vào ngày 1-6 đề xuất chủ trương xin hợp tác cùng Công ty Việt Á thực hiện việc xét nghiệm PCR tại TPHCM. Sau đó, Sở Y tế có văn bản trả lời trên tinh thần chấp nhận, cho phép chủ trương để Công ty Việt Á phối hợp với các quận, huyện đặt trang thiết bị, triển khai xét nghiệm hỗ trợ chính quyền thành phố mở rộng năng lực sàng lọc kiểm tra nhanh người mắc Covid-19.
Sau 2 tuần thực hiện tại nơi Công ty Việt Á đặt máy (cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu TPHCM – PV), TPHCM có thể kiểm tra, chẩn đoán nhanh hơn các đối tượng mắc bệnh. Công ty đưa sinh phẩm, nhân viên vào để giúp TPHCM. Sau đó, Tập đoàn Vingroup đã ngỏ lời trả hết toàn bộ phí mà Công ty Việt Á đã làm cho TPHCM và được chấp thuận.
Từ khi đó đến khi hoàn thành nhiệm vụ, TPHCM không tham gia mua sắm trang thiết bị cũng như vật tư liên quan vụ việc.
“Tính đến ngày 23-12, Sở Y tế TPHCM xác định 2 bệnh viện đã mua sinh phẩm, trang thiết bị xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á. Cụ thể, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch mua 1.250 test với tổng số tiền là 636.562.500 đồng, theo hình thức đấu thầu rộng rãi. Bệnh viện TP Thủ Đức mua 65.870 test với tổng giá trị 32.022.967.500 đồng bằng hình thức chỉ định thầu. Hiện cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra, giám sát, điều tra đối với 2 đơn vị này”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, thông tin. |
Theo ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM, vào thời điểm giữa tháng 6, thành phố có chủ trương tăng tốc lấy mẫu xét nghiệm từ 100.000 mẫu/ngày lên 300.0000 rồi đến 500.000 mẫu/ngày. Thành phố cho phép tận dụng tối đa năng lực xét nghiệm của các đơn vị trên địa bàn dù công hay tư.
Do đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã tận dụng tất cả bệnh viện có khả năng xét nghiệm để thực hiện. Tuy nhiên, trước tình hình số mẫu xét nghiệm tăng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM có xin chủ trương phối hợp Công ty Việt Á theo hình thức hỗ trợ.
Đến ngày 14-6, Sở Y tế TPHCM có đồng ý chủ trương nhưng không triển khai vì lúc đó có phương án tốt hơn là được Vingroup đề nghị hỗ trợ. “Đó là một trong những phương án Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM có hướng đến tuy nhiên thực tế không diễn ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã không mua, không sử dụng và cũng không hợp tác với Công ty Việt Á”, ông Nguyễn Hồng Tâm khẳng định.
Kết quả, Công an TPHCM là đơn vị đầu tiên trên cả nước phát hiện và xử lý hình sự đối với hành vi tham ô, lợi dụng chức vụ trong thi hành công vụ để trục lợi liên quan đến thuốc điều trị Covid-19 và tiêm ngừa vaccine Covid-19.
“Công an TPHCM trên lĩnh vực kinh tế đã khởi tố 18 vụ liên quan đến hành vi sản xuất vật tư y tế giả; 4 vụ lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi; 1 vụ tham ô tài sản, 12 vụ lừa đảo, mua bán vật tư y tế giả…”, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin và khẳng định, Công an TPHCM đang phối hợp với Sở Y tế và các ngành chức năng tiếp tục rà soát, nắm tình hình chung về công tác mua sắm, trang thiết bị y tế để phát hiện, xử lý nghiêm hành vi vi phạm.
Thời điểm cần mua thì phải mua. Nếu có tư lợi trong thi hành công vụ thì cơ quan điều tra hay các đơn vị mới xử lý. Với giá đó thì trước mắt là không thấy có dấu hiệu vi phạm so với hướng dẫn.
“Cần khách quan trong việc đưa tin về nội dung này và tránh tạo áp lực cho các cơ quan y tế. Đơn vị y tế đang làm việc rất tích cực, không nên liên hệ họ như đơn vị vi phạm trong khi hiện nay mới đang xác minh", Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.
Thông tin tại buổi họp báo, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM cho biết, đến ngày 22-12, TPHCM đã tiêm 50.959 mũi vaccine bổ sung và 141.890 mũi vaccine nhắc lại. Trong đợt dịch cao điểm tháng từ 7 đến tháng 9-2021, TPHCM sử dụng 380 tấn oxy lỏng/ngày; hiện, con số này giảm xuống còn khoảng 170 tấn oxy lỏng/ngày. Tuy nhiên, dự báo số ca mắc mới còn nhiều và số người phải sử dụng máy thở còn cao, TPHCM cần khoảng 350 tấn oxy lỏng/ngày. Thời kỳ cao điểm, TP.HCM có 11 đơn vị cung cấp oxy y tế. Nhưng hiện nay, số đơn vị giảm xuống 5; còn lại chuyển qua sản xuất oxy công nghiệp. Hiện UBND TPHCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương điều phối việc sản xuất giữa oxy công nghiệp và oxy lỏng nhằm đáp ứng việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. |