Với vị trí hội tụ nhiều thế mạnh, điều kiện (là trung tâm lớn của cả nước, kết nối thuận lợi với trong nước, khu vực và quốc tế; tính năng động, sáng tạo của chính quyền; tư duy nhanh nhạy với thị trường của người dân, doanh nghiệp…), TPHCM được chọn là nơi thí điểm khai triển các ý tưởng phát triển, các mô hình quản lý cũng như các cơ chế chính sách mới cho cả nước.
Nghị quyết mới cũng được xem là quyết sách tháo gỡ căn cơ những bức bách trong thực hiện hệ thống cơ chế “chật hẹp”, mang tính “đồng phục” thời gian qua. Các cơ chế, chính sách mới được trông đợi sẽ trở thành nguồn lực quan trọng, truyền dẫn xung thế mới và khơi thông, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực để TPHCM chủ động phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
Về tổng thể, nghị quyết cần hướng tới xác lập khung cơ chế chính sách cho TPHCM được chủ động, sáng tạo hơn trong quản lý và tổ chức phát triển. Trong đó, TPHCM, TP Thủ Đức được chủ động ban hành, thí điểm các cơ chế chính sách thuộc phạm vi thẩm quyền để đổi mới phương thức quản trị của chính quyền; đồng thời thí điểm các mô hình phát triển kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh, thay vì quy định chi tiết từng cơ chế, chính sách cụ thể.
Việc ban hành các cơ chế, chính sách mới không phải là “đặc ân” cho TPHCM mà là đảm bảo sự phát triển của thành phố - nơi đóng góp chính cho sự phát triển chung của cả nước và cũng là thí điểm các cơ chế, chính sách cho cả nước. Do đó, nghị quyết mới cũng như các văn bản hướng dẫn thực hiện cần đảm bảo tương thích giữa thẩm quyền, trách nhiệm cũng như cơ chế kiểm soát trong thực hiện của TPHCM và các bên liên quan. Cần vận dụng lý thuyết về khung thể chế thử nghiệm (regulatory sandbox) và đảm bảo tính mở trong xây dựng, cập nhật các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thi hành để luôn đảm bảo tính mới, đi trước.
Dự thảo nghị quyết mới có nhiều nội dung thể hiện tính mới, đột phá như: mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông (TOD); cơ chế đầu tư các dự án theo phương thức PPP (hình thức BT, BOT) đối với các dự án công trình giao thông, trong lĩnh vực văn hóa; về Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM; cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; phân cấp, ủy quyền và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức… Cùng với các nhóm cơ chế, chính khác, nội dung dự thảo nghị quyết mới có độ phủ lớn, mở ra không gian pháp lý thuận lợi hơn để thành phố chủ động, sáng tạo trong quản lý, phát triển và lãnh nhận thí điểm các cơ chế, chính sách mới trước khi hoàn thiện, triển khai trong cả nước.
Tổng hợp: Ngô Bình - Đồ họa: Mỹ Trang |
Quan trọng nhất, nghị quyết mới phải được bảo đảm đi vào thực tiễn, thực hiện tốt sứ mệnh là khơi thông mọi nguồn lực; hóa giải và vượt qua các xung đột, trở ngại trong thực thi để thúc đẩy TPHCM phát triển, thí điểm thành công các cơ chế, chính sách mới trước khi triển khai trên phạm vi cả nước.
Là địa phương nhận lãnh tiên phong, đi đầu trong việc thử nghiệm các cơ chế, chính sách mới, nhiệm vụ của TPHCM trong thời gian tới rất nặng nề và sẽ đối diện với nhiều rủi ro trong thực hiện, dù thành phố đã có sự chủ động, sẵn sàng. Do đó, cần có cơ chế để tạo sự đồng thuận, chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong thực hiện nghị quyết. Cùng với đó, nên chăng Thủ tướng thành lập Tổ công tác điều phối gồm các bộ, ngành liên quan do một Phó Thủ tướng chỉ đạo để kịp thời hóa giải các xung đột, vấn đề phát sinh trong thực hiện nghị quyết. Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước khi thành lập bộ phận chuyên trách nghiên cứu, dự báo các xu hướng phát triển để tham vấn xây dựng, điều chỉnh các cơ chế, chính sách đón đầu, dẫn dắt phát triển trong bối cảnh mới.