“Nếu quyết liệt chỉ đạo, năm 2017, TPHCM sẽ đạt mức tăng trưởng từ 8,4% - 8,7%”. Đó là nhận định của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tại buổi họp về tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội và thu chi ngân sách tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2017 diễn ra hôm qua 15-6.
Tăng trưởng cao hơn cùng kỳ
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) TPHCM Nguyễn Thị Thu Hoa cho biết, trong 6 tháng đầu năm có 18.030 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 227.514 tỷ đồng, tăng 10,5% về số lượng doanh nghiệp và tăng 57,5% về vốn đăng ký. Nếu tính cả số vốn điều chỉnh bổ sung thì tổng vốn đăng ký và bổ sung là gần 492.680 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Ngoài ra, trong 2 quý đầu năm, TPHCM thu hút được 2,15 tỷ USD vốn đăng ký từ các dự án nước ngoài, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ.
“6 tháng đầu năm, TPHCM đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp… Qua đó kinh tế TPHCM tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 7,68% cao hơn cùng kỳ (7,46)”, bà Hoa nhận xét.
Ngoài ra, lãnh đạo Sở KH-ĐT cũng nhìn nhận, trong thời gian qua vẫn còn có một số hạn chế, yếu kém như thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực còn rườm rà, phức tạp, chưa kịp thời và chủ động thực hiện rà soát, đề xuất đơn giản hóa. Công tác quản lý, tổ chức thực hiện theo quy hoạch chưa được tập trung đúng mức, đã có nhiều dự án đầu tư không đồng bộ hạ tầng xã hội, thiếu kết nối hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch. Tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn diễn biến phức tạp ở quận 7, quận 9 và các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp. Ùn ứ giao thông vẫn còn xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi.
Giải ngân chậm sẽ bị truy trách nhiệm cá nhân
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Lê Văn Khoa, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng vận chuyển xe buýt tăng 2,6% so với cùng kỳ. Đây là tín hiệu tốt, nên bằng mọi giải pháp, ngành giao thông phải nâng chất lượng xe buýt để thu hút thêm hành khách, qua đó kéo giảm ùn tắc giao thông. Liên quan đến vấn đề chống ngập, đồng chí Lê Văn Khoa yêu cầu các đơn vị liên quan phải đẩy nhanh việc nạo vét, duy tu và xử lý dứt điểm các cửa xả, hệ thống thoát nước bị bít, lấn chiếm. “Tôi cũng chỉ đạo thí điểm lắp đặt cống thoát nước mới có tác dụng chắn rác, đảm bảo thoát nước và ngăn mùi hôi. Nếu cống này hoạt động hiệu quả thì sẽ thay thế toàn bộ 88.000 cống hiện hữu trên địa bàn TP”, đồng chí Lê Văn Khoa nói.
Phát biểu chỉ đạo, đồng chí Nguyễn Thành Phong tỏ ý không hài lòng trước tốc độ giải ngân trong 6 tháng qua chỉ đạt được 32% theo kế hoạch. “Việc có vốn nhưng tiêu thụ chậm là do điều hành quản lý hay ách tắc về thủ tục? Các đơn vị đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đối với các công trình đầu tư công, nhất là các công trình trong thực hiện theo 7 chương trình đột phá của TPHCM. Đến cuối tháng 7-2017, giải ngân vẫn dưới 50% thì phải tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu”, đồng chí Nguyễn Thành Phong lưu ý.
TPHCM đặt ra chỉ tiêu năm 2017 sẽ có 50.000 doanh nghiệp mới được thành lập. Song đến nay chỉ có hơn 18.000 doanh nghiệp mới. Đồng chí Nguyễn Thành Phong băn khoăn với thời gian còn lại liệu có thành lập được 32.000 doanh nghiệp mới? Ngoài ra, trong số các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp bất động sản chiếm đến 40% và các doanh nghiệp sản xuất phát triển, đầu tư các ngành nghề chiến lược chiếm tỷ lệ thấp. Vì vậy, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu cần phải suy nghĩ thêm về cơ cấu thành lập doanh nghiệp mới này.
“Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế của TPHCM tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ 2 năm 2015, 2016. Điều này cho thấy, nếu chúng ta quyết liệt chỉ đạo thì sẽ đạt kết hoạch đề ra là 8,4% - 8,7%. Chính phủ cũng xác định mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2017 là 6,7%. Vì vậy, các ngành, các cấp cần tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ, thúc đẩy tăng trưởng ở các lĩnh vực, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cho TPHCM và đóng góp vào tăng trưởng chung cả nước”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Kiểm tra lại công tác quản lý công viên
Tại cuộc họp báo do UBND TPHCM diễn ra trưa 15-6, một số báo đài phản ánh tình trạng “xẻ thịt” công viên vẫn tồn tại ở TPHCM. Trong đó, điển hình là tình trạng xây nhà hàng, kinh doanh ở một số công viên...
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin, năm 2016 TPHCM tiến hành thanh tra toàn bộ công viên trên địa bàn. Đến nay, tình hình hoạt động, quản lý ở các công viên đã quy củ, nề nếp. Theo chỉ đạo của TPHCM, hiện sở, ban ngành liên quan thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra cảnh quan, tình hình hoạt động trong công viên; khẩn trương tiến hành đo đạc, xác lập, số hóa hệ thống dữ liệu về công viên.
Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng nêu quan điểm là quyết tâm bảo vệ hiện trạng công viên để phục vụ nhu cầu của người dân TPHCM. Theo ông Võ Văn Hoan, trong quá trình tổng kiểm tra, cơ quan chức năng luôn kịp thời định hướng giải pháp chấn chỉnh, xử lý nghiêm những công viên xuất hiện sai phạm. Đến nay, tình hình tại các công viên có nhiều chuyển biến tích cực. Dù vậy, một số vướng mắc vẫn chưa thể giải quyết triệt để.
“Trong công viên Bình Phú (quận 6), nhà hàng mọc lên trên phần đất sát bên cạnh chứ không chiếm đất công viên như mọi người hiểu lầm. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là không có vi phạm. Cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện công trình xây dựng ấy lấn chiếm phần đất công viên. Cũng ở quận 6, Trung tâm Văn hóa quận nằm trong công viên Phú Lâm. Nguyên do trước đây, trung tâm này được giao nhiệm vụ quản lý công viên và họ đặt trụ sở tại đây để thuận lợi trong quá trình quản lý. Trung tâm chỉ có phòng chiếu phim 3D phục vụ người dân, phần còn lại là cơ sở phục vụ công tác quản lý”, đồng chí Võ Văn Hoan dẫn chứng.
Đồng chí Võ Văn Hoan đề nghị Sở GTVT kiểm tra xem thêm các công tác quản lý công viên có vướng mắc gì để tham mưu cho TPHCM xử lý, trả lại công viên cho người dân.