TPHCM thúc đẩy cải cách, tăng trách nhiệm công vụ

Năm 2022, TPHCM có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư với quyết tâm tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (DN). Song kết quả đạt được còn khiêm tốn, đòi hỏi TPHCM tiếp tục tập trung nâng cao trách nhiệm công vụ, thúc đẩy công việc nhằm tạo động lực đóng góp cho tăng trưởng của thành phố.
Giải quyết hồ sơ cho người dân tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG
Giải quyết hồ sơ cho người dân tại UBND phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

DN, người dân còn phải chờ

Hơn 3 năm qua, cư dân chung cư Milennium (số 132 Bến Vân Đồn, quận 4, TPHCM) phải kêu cứu nhiều nơi vì đã nộp đầy đủ hồ sơ nhưng chưa được cấp sổ hồng. Sau khi mua căn hộ, cư dân ủy quyền cho chủ đầu tư nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận (GCN) tại Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) TPHCM từ tháng 10-2019. Tháng 3-2020, Văn phòng ĐKĐĐ TPHCM có văn bản xin ý kiến, và Giám đốc Sở TN-MT TPHCM đã chỉ đạo giải quyết cấp GCN cho người dân. Vào tháng 10-2021, Văn phòng ĐKĐĐ TPHCM tiếp tục có văn bản… xin ý kiến Sở TN-MT, dù trong đó có những nội dung đã được hướng dẫn. Sở TN-MT khẳng định dự án này đã được sở kiểm tra và có thông báo về việc cấp GCN. Giám đốc Sở TN-MT cũng chỉ đạo đẩy nhanh công tác cấp GCN cho người dân. Tuy nhiên, đến nay Văn phòng ĐKĐĐ TPHCM vẫn chưa thực hiện việc cấp GCN.

Trong năm 2022, với sự nỗ lực, quyết tâm tháo gỡ khó khăn, TPHCM đã cấp hơn 21.000 GCN quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trường hợp chậm trễ, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, như câu chuyện ở chung cư Milennium nêu trên.

Tại nhiều dự án tái định cư, cử tri cũng bày tỏ bức xúc với các đại biểu HĐND TPHCM về việc nhiều năm qua chưa được cấp GCN, như khu tái định cư dự án cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) hay dự án cảng Sài Gòn. Ở xã Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh), người dân phản ánh việc 22 hộ dân được bố trí tái định cư nhưng chưa được cấp GCN, trong khi 5 hộ dân từ nơi khác chuyển về lại được cấp GCN nhanh chóng…

Không chỉ người dân, mà DN cũng phản ánh về tình trạng chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính. Bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Khu Công nghệ cao TPHCM, Giám đốc Đối ngoại của Intel Việt Nam, phản ánh, trong điều chỉnh phê duyệt quy hoạch, từ “một cửa” trước đây nay đã trở lại cơ chế “nhiều cửa”. Khi DN tiến hành điều chỉnh quy hoạch tổng thể, dù là điều chỉnh cục bộ nhưng vẫn mất khoảng 2 năm mới xong, trong khi thông thường chỉ mất 3-6 tháng. Một số DN có nhu cầu xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, khu vực để xe phục vụ người lao động cũng gặp khó khăn, do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao phải xin ý kiến các cơ quan liên quan và chính quyền địa phương. Theo bà Hồ Thị Thu Uyên, Khu Công nghệ cao TPHCM cần tiếp tục giữ vai trò cơ quan một cửa để có thể hỗ trợ DN nhanh chóng hơn. Song song đó, các sở, ngành cần phối hợp với ban để giải quyết nhanh thủ tục cho DN.

Rút ngắn thời gian

Trước những ý kiến phản ánh về sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan lý giải, các bộ thủ tục hành chính là do Trung ương quy định, địa phương không thể thêm bớt hay xây dựng bộ thủ tục mới. Cùng một thủ tục, có nơi làm nhanh, nơi làm chậm là do việc thực hiện ở mỗi nơi mỗi khác, tùy thuộc vào nhiều yếu tố. Chẳng hạn, hồ sơ nhà đất ở các tỉnh có khi lịch sử rõ ràng, ít biến động, nhưng một thửa đất ở TPHCM trong vài năm có thể chuyển nhượng mấy lần, lịch sử rất phức tạp. Đó là chưa kể một cán bộ của TPHCM mỗi ngày phải giải quyết lượng hồ sơ lớn, áp lực nhiều nên có thể tinh thần, thái độ có lúc chưa được tốt. “Vấn đề đặt ra là chúng ta có thể làm gì cho dân tốt hơn với một bộ thủ tục thống nhất trên quy mô quốc gia? Việc chúng ta có thể làm là rút ngắn thời gian thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan bày tỏ.

TPHCM thúc đẩy cải cách, tăng trách nhiệm công vụ ảnh 1 Người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại “ATM hồ sơ” ở quận 6, TPHCM.  Ảnh: THU HƯỜNG
Liên quan đến nhiệm vụ này, TPHCM đã rà soát những nơi có thể giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính và nghiên cứu nâng thành quy chuẩn chung cho cả thành phố. Cuối tháng 10 vừa qua, TPHCM đã ra mắt “Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính” trên cơ sở hợp nhất Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử. Khi hệ thống này hoàn thiện, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, có thể giải quyết nhanh chóng hơn hồ sơ hành chính của người dân, DN.

Tiếp nối những nỗ lực cải CCHC, cải thiện môi trường đầu tư, dự kiến năm 2023, TPHCM tiếp tục chọn chủ đề của năm là: “Nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư”, trong đó trước mắt tập trung chia sẻ, tháo gỡ vướng mắc cho DN. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, việc xây dựng kế hoạch cho năm 2023 phải trên tinh thần đánh giá sát, đúng tình hình để đưa ra giải pháp. 

Năm 2023, dự báo kinh tế của cả nước nói chung và TPHCM nói riêng sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, TPHCM xác định năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng, là năm tăng tốc và tạo đà phát triển cho 2 năm còn lại của nhiệm kỳ. Do vậy, nỗ lực cải cách là điều cần đẩy mạnh hơn. Từ đó, khơi thông các nguồn lực, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, khơi dậy ý chí, nỗ lực vươn lên của cộng đồng DN và các tầng lớp nhân dân. Chủ tịch UBND TPHCM cũng chia sẻ, câu chuyện nổi lên hiện nay là trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết thủ tục hành chính. “Tăng trách nhiệm hành chính, trách nhiệm công vụ, tập trung tháo gỡ để thúc đẩy công việc - đây là một trong những dư địa mà nếu làm tốt, chúng ta sẽ tạo được động lực mới, đóng góp cho tăng trưởng của thành phố”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

TPHCM thúc đẩy cải cách, tăng trách nhiệm công vụ ảnh 2 Nguồn: UBND TPHCM - Đồ họa: NGỌC TRÂM

ĐB LÊ MINH ĐỨC - Phó Trưởng Ban Pháp chế HĐND TPHCM:


Đừng lờ ý kiến của người dân, DN

Qua việc giám sát thực hiện chủ đề năm 2022 của TPHCM ở các địa phương, chúng tôi nhận thấy thành phố rất quyết tâm trong việc thực hiện CCHC để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, nhất là công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Tuy nhiên, còn một số nơi người dân, DN chưa thực sự hài lòng, trong đó có những vấn đề liên quan đến cấp GCN quyền sử dụng đất hoặc thủ tục xây dựng. Người dân, DN mong muốn sớm điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật còn chồng chéo. Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch, trả lời rõ ràng các ý kiến mà người dân, DN nêu ra chứ đừng lờ đi.

Bên cạnh đó, thành phố có tổng đài 1022, những kiến nghị, phản ánh của người dân lập tức được chuyển đến các sở, ban, ngành, địa phương... Dù giải quyết được hay không thì trong vòng 24 giờ kể từ khi tiếp nhận phản ánh, các đơn vị phải phản hồi cho người dân để họ biết kiến nghị, phản ánh của mình đã được tiếp nhận.


ĐB LÊ TRƯƠNG HẢI HIẾU - Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TPHCM:


Công khai để người dân dễ thực hiện và giám sát

Qua các buổi giám sát có thể nhận thấy nỗ lực rất lớn từ các cấp chính quyền trong năm 2022. Kết quả đạt được sẽ tạo nền tảng để phát triển thành phố trong năm 2023. Tuy nhiên, có thể thấy chỉ số CCHC trong năm 2022 còn thấp. Đề nghị UBND TPHCM tập trung quan tâm hoàn thiện công khai bộ thủ tục hành chính từ cấp cơ sở đến cấp thành phố, để người dân biết, dễ thực hiện và giám sát. Bên cạnh đó, cần làm tốt việc liên thông giữa các sở, ngành, quận, huyện, TP Thủ Đức và UBND TPHCM. Trong CCHC, việc ứng dụng công nghệ thông tin rất quan trọng. Song song với việc xây dựng dữ liệu của từng ngành thì cần có quy chế liên thông để khai thác tốt các dữ liệu này.


ĐB TRẦN QUANG THẮNG - Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TPHCM:


Cải thiện sức hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư

Đầu tư của khu vực tư nhân là rất quan trọng để phát triển các nền kinh tế đô thị. Vì vậy, TPHCM cần liên tục cải thiện sức hấp dẫn của mình đối với các nhà đầu tư hiện tại và trong tương lai. Uy tín, hình ảnh thành phố được đánh giá càng cao thì cơ hội thu hút nhà đầu tư càng lớn. TPHCM phải giải được bài toán kết nối giao thông tốt, đồng bộ. Ngoài ra, chúng ta không nên chỉ phụ thuộc vào các tập đoàn lớn ở nước ngoài để có bệ phóng. Thay vào đó, cần có đường lối phát triển độc đáo, sáng tạo riêng và cần tăng cường tính chủ động, tích cực, tạo sự đồng thuận rộng khắp trong hệ thống chính trị từ trên xuống dưới và với người dân.

Tin cùng chuyên mục