Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Phát huy vai trò người lãnh đạo trong đối ngoại
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cảm ơn Bộ Ngoại giao đã phối hợp, hỗ trợ, chia sẻ với TPHCM trong suốt thời gian vừa qua, nhất là trong giai đoạn thành phố phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, đồng chí khẳng định ý nghĩa ký kết quy chế phối hợp giữa Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM và Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao trong giai đoạn hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao quy chế phối hợp. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trong đó, góp phần nâng cao trách nhiệm, sự chủ động, tăng cường phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Bộ Ngoại giao và TPHCM trong nhiệm vụ phát triển đất nước nói chung, TPHCM nói riêng.
Đối với TPHCM, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị xác định, TPHCM phát triển ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.
Kinh tế văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng sống cao, là hạt nhân của vùng Đông Nam bộ, cực tăng trưởng của cả nước, nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên trao đổi với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Để thực hiện được các mục tiêu phát triển, ngành ngoại giao là nguồn lực rất lớn và quan trọng để TPHCM có điều kiện thực hiện.
Ngược lại, Bộ Ngoại giao xem TPHCM là nơi triển khai thí điểm những vấn đề mới trong ngành ngoại giao theo tinh thần Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Trên tinh thần này, Bí thư Thành ủy TPHCM bày tỏ tin tưởng, quy chế phối hợp sẽ được triển khai thực hiện theo tinh thần của Kết luận 14, với phương châm thích ứng, linh hoạt, hiệu quả, không cứng nhắc, không máy móc trong hành động. Tất cả vì lợi ích chung là sự phát triển của đất nước và TPHCM.
Trong đó, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh đến vai trò của người lãnh đạo, người đứng đầu trong việc phát huy tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Một nội dung nữa được Bí thư Thành ủy TPHCM nhấn mạnh, đó là trong phối hợp giữa Bộ Ngoại giao và TPHCM cần chú trọng đến chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính mang lại hiệu quả, với quyết tâm chính trị cao nhất.
TPHCM xây dựng chiến lược đối ngoại
Trao đổi tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, TPHCM không chỉ là đầu tàu, động lực mạnh mẽ để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn là đầu tàu trong đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: VIỆT DŨNG |
TPHCM luôn đi tiên phong năng động, sáng tạo trong hội nhập quốc tế và là cửa ngõ giao lưu quốc tế quan trọng hàng đầu ở khu vực phía Nam và cả nước.
Đối với ngành ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, TPHCM có mối quan hệ rất đặc biệt, là địa phương duy nhất mà Bộ Ngoại giao đặt cơ quan chuyên môn là Sở Ngoại vụ TPHCM.
Sở Ngoại vụ TPHCM vừa là cơ quan tham mưu cho Bộ Ngoại giao thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đối ngoại ở các tỉnh phía Nam, vừa tham mưu Thành ủy, UBND TPHCM trong triển khai công tác đối ngoại của Thành phố.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Như vậy, Sở Ngoại vụ TPHCM thực hiện chức năng "2 trong 1", vừa là cơ quan Trung ương, vừa là cơ quan địa phương. Chính vì tính đặc thù và đặc biệt này, Ban cán sự Đảng Bộ Ngoại giao và Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ký kết quy chế phối hợp để tăng cường phối hợp chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác đối ngoại trên địa bàn Thành phố, phục vụ cho công tác đối ngoại phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho TPHCM mà cho cả khu vực phía Nam.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng đề xuất cùng phối hợp với TPHCM xây dựng chiến lược đối ngoại. TPHCM sẽ là địa phương đầu tiên của cả nước có chiến lược đối ngoại.
Trong đó, nội dung về thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM là trung tâm.
Bộ Ngoại giao sẵn sàng cùng với TPHCM tìm kiếm, vận động các đối tác, tiếp cận nguồn vốn cho việc phát triển các lĩnh vực về cơ sở hạ tầng, giao thông đô thị, năng lượng, môi trường, chống biến đổi khí hậu, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, trung tâm tài chính... để xứng tầm với khu vực, thế giới.
Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Cùng với đó, sẵn sàng kết nối với các nhà đầu tư, các công ty, tập đoàn kinh tế lớn của thế giới để củng cố, phát triển, nâng tầm Diễn đàn kinh tế TPHCM.
Đồng thời, đồng hành cùng với sự phát triển của TPHCM, trong đó sẵn sàng trao đổi, hỗ trợ cung cấp thông tin phục vụ cho sự phát triển của Thành phố; phối hợp với TPHCM quảng bá hình ảnh, mở rộng hợp tác quốc tế, thu hút về đầu tư và khoa học công nghệ.
Thu hút nguồn lực từ đối ngoại
Trước đó, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi điểm lại những nội dung quan trọng trong Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị. Đồng thời, thông tin về tình hình kinh tế - xã hội và hoạt động đối ngoại của TPHCM. Trong đó, đồng chí khẳng định, hoạt động đối ngoại đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định, TPHCM luôn quan tâm đến công tác đối ngoại. Cụ thể, TPHCM thiết lập quan hệ hợp tác với 54 địa phương của các nước và đã ký kết 66 văn bản hợp tác. Hằng năm, lãnh đạo TPHCM tiếp hơn 400 cuộc tiếp khách quốc tế. TPHCM tiếp đón khoảng 140 đoàn, chủ trì tổ chức hơn 40 sự kiện đối ngoại.
Thời gian tới, TPHCM tiếp tục xác định thêm các địa phương trọng điểm trong quan hệ đối ngoại. Cùng với đó, TPHCM đã thành lập thành lập Tổ công tác Đối ngoại và Hợp tác quốc tế do Chủ tịch UBND TPHCM làm tổ trưởng.
Ngoài ra, TPHCM ban hành đề án đào tạo kiến thức, nghiệp vụ đối ngoại cho cán bộ, công chức, viên chức Thành phố giai đoạn 2021-2026. Đến thời điểm này, TPHCM đã đào tạo trên 2.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức theo đề án này.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG |
Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, Thành phố xác định mục tiêu ngoại giao kinh tế là trọng tâm nhằm thu hút, huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM theo Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị.
Trong đó, TPHCM xác định hướng phát triển mới như xây dựng trung tâm tài chính, trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số...
Cùng với đó, kết nối các nhà đầu tư chiến lược để TPHCM thực hiện các mục tiêu cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm chăm sóc sức khỏe... mang tầm khu vực, quốc tế.
Thành phố đang xây dựng chiến lược đối ngoại và đề án phát triển hình ảnh, thương hiệu TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, qua đó tập trung làm tốt công tác quảng bá hình ảnh của Thành phố với bạn bè quốc tế, nâng tầm vị thế quốc tế của TPHCM.
Chủ tịch UBND TPHCM thông tin, Thành phố tổ chức thành công Đối thoại hữu nghị năm 2022 (FD) với các địa phương trên thế giới có ký kết hợp tác với Thành phố. Tới đây, TPHCM tổ chức diễn đàn kinh tế TPHCM (HEF), đây là sự kiện quốc tế có sự tham gia của nhiều địa phương, các tổ chức trên thế giới.
Thời gian tới, Chủ tịch UBND TPHCM mong muốn Bộ Ngoại giao hỗ trợ kết nối HEF thành một phần trong hệ sinh thái Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và xây dựng các cấu phần nội dung phù hợp với xu hướng mới của thế giới, hỗ trợ TP trong tổ chức và mở rộng quy mô của FD.