Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.
Quá tải và thiếu hụt nhân lực
Trả lời câu hỏi của cử tri Phạm Quang Lâm (phường Đa Kao, quận 1) về thực trạng hoạt động của y tế cơ sở, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng đánh giá, đợt dịch Covid-19 vừa qua cho thấy sự quá tải của hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở.
Hiện nay, dịch bệnh được kiểm soát, y tế cơ sở dần trở lại các chức năng thường quy như trước đây. Tuy nhiên, khối lượng công việc của các trạm y tế vẫn rất lớn, thậm chí là khổng lồ; trong đó, phải đảm đương 19 chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe trẻ em, sức khỏe người cao tuổi, rồi các chương trình đặc thù về phòng chống lao, HIV/AIDS…
Với khối lượng công việc lớn trong khi biên chế còn hạn hẹp, nhân viên y tế cơ sở phải cố gắng chia sẻ, chia nhau tăng ca, thậm chí một người đảm đương nhiều vị trí, nhiều nhiệm vụ. Sự quá tải cũng là điểm yếu của hệ thống y tế cơ sở, do vậy cần được quan tâm đầu tư, tăng cường năng lực và có chính sách đặc thù để y tế cơ sở đảm đương được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.
Cử tri Nguyễn Vũ Trường An (Trưởng Trạm y tế phường Tân Quy, quận 7) nêu tình trạng tuyến y tế cơ sở đã chịu áp lực không hề nhỏ vì thiếu nhân sự và đề nghị có giải pháp thu hút nhân lực cũng như chế độ đãi ngộ tốt hơn cho y tế cơ sở.
Về nội dung này, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lâm Hùng Tấn đánh giá, hiện nay mỗi trạm y tế chỉ 5-10 nhân viên y tế, không thể đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe người dân. Với số lượng nhân viên như thế, chỉ phù hợp với địa bàn phường, xã, thị trấn có từ 6.000-20.000 dân. Tuy nhiên, TPHCM có số lượng dân số rất đông, hầu hết các phường có trên 50.000 dân, thậm chí có phường, xã trên 100.000 dân nên trạm y tế khó có thể đảm đương các nhiệm vụ. Do đó, TPHCM đã đề xuất Bộ Y tế, Bộ Nội vụ và các bộ ngành liên quan giải pháp theo hướng mỗi trạm y tế có ít nhất 10 nhân viên/20.000 dân và cứ thêm 2.000-3.000 dân thì tăng thêm 1 nhân viên y tế nhằm đảm bảo phù hợp với quy mô, mật độ và cơ cấu dân số các địa bàn có đông dân cư.
Bên cạnh đó, TPHCM tiếp tục duy trì mô hình y tế lưu động. Thành phố cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thu hút nguồn lực y tế từ tuyến trên về công tác tại tuyến cơ sở và thu hút nguồn lực y tế cộng đồng tham gia vào y tế cơ sở.
Dân chưa mặn mà khám chữa bệnh BHYT tại trạm y tế
Liên quan đến việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tại trạm y tế, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, hiện nay có 178 trạm y tế (chiếm 60% số trạm y tế) triển khai khám chữa bệnh BHYT. Số thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại trạm y tế chỉ hơn 9.000 thẻ trong tổng số hơn 8,2 triệu thẻ BHYT tại TPHCM (chiếm 0,11%). Số lượng đi khám chữa bệnh năm 2021 tại trạm y tế cũng chỉ 114.000 lượt trong tổng số 12 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT (chiếm 0,9%).
Sở dĩ người dân chưa quan tâm đi khám chữa bệnh ở trạm y tế là bởi đặc điểm TPHCM có mạng lưới các bệnh viện đa khoa hạng 1, hạng 2 chất lượng và dày đặc, nên người dân đến thẳng bệnh viện đa khoa, chuyên khoa nhiều hơn. Hơn nữa, các bác sĩ ở các trạm y tế đang rất thiếu; danh mục về thuốc cấp cho người dân cũng giới hạn.
Trước nhiều đề xuất của cử tri về việc tăng cường dịch vụ khám chữa bệnh cho người cao tuổi tại trạm y tế, giúp người có bệnh mạn tính có thể ghé trạm y tế tái khám và nhận thuốc, không phải đi tới bệnh viện xa xôi, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng nêu các giải pháp của ngành y tế.
Cụ thể, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, trong chương trình nâng cao năng lực trạm y tế cơ sở, có vấn đề nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao khám chữa bệnh và chăm sóc người cao tuổi, người có bệnh mạn tính ổn định có thể thăm khám và lãnh thuốc tại trạm y tế. Hiện nay, do danh mục thuốc tại trạm y tế còn hạn chế nên tới đây, cần mở rộng danh mục để người dân khám chữa bệnh ở tuyến 2, tuyến 3 có thể tái khám, lãnh thuốc tại trạm. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tại trạm y tế, Sở Y tế TPHCM có kế hoạch tăng cường mở rộng phòng khám đa khoa vệ tinh tại các trạm y tế.
Theo ông Nguyễn Anh Dũng, nếu làm được điều này, thì danh mục thuốc tại trạm y tế được thanh Qũy BHYT thanh toán sẽ được mở rộng và người dân có bệnh mạn tính ổn định có thể tái khám, lãnh thuốc tại trạm y tế.
Đồng thời, sẽ tăng cường số trạm y tế, có thể xem xét tăng số trạm y tế trên mật độ dân cư và diện tích, vị trí địa lý.
Ngành y tế cũng tăng cường nguồn nhân lực, ngoài tăng về biên chế, sẽ mở rộng chế độ chính sách như hợp đồng có thời hạn với nhân viên y tế có tay nghề chuyên môn cao đã nghỉ hưu đến làm việc tại trạm y tế. Có thể luân phiên bác sĩ có chuyên môn, tay nghề cao từ bệnh viện tuyến trên về công tác tại trạm y tế và ngược lại, luân phiên bác sĩ ở trạm y tế tới các bệnh viện tuyến trên để bồi dưỡng, đào tạo các chương trình bổ sung.
Ông Nguyễn Anh Dũng cũng cho biết, Sở Y tế đã trình UBND TPHCM chương trình thí điểm cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ mới ra trường thực hành tại bệnh viện đa khoa kết hợp với trạm y tế. Chương trình thí điểm này là chìa khóa giúp tăng nhân lực cho trạm y tế trong thời gian tới.
Đặc biệt, Sở Y tế có phần mềm tăng kết nối trạm y tế với các bệnh viện. Khi khám chữa bệnh có các vấn đề cần hội chẩn thì trạm y tế có thể kết nối và trao đổi trực tiếp với chuyên gia ở bệnh viện tuyến cuối để tư vấn khám chữa bệnh. “Điều này rất quan trọng, giúp tăng chuyên môn và tăng niềm tin của người dân đối với trạm y tế, tăng thu hút người dân đến khám chữa bệnh tại trạm y tế”, ông Nguyễn Anh Dũng nhìn nhận.
Nhân viên y tế tham gia y tế cơ sở có quyền lợi gì?
Trả lời câu hỏi của cử tri “nhân viên y tế tham gia y tế cơ sở có quyền lợi gì, được phát triển nghề nghiệp ra sao, có được ưu tiên chuyển công tác lên tuyến trên hay không?”, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM Nguyễn Anh Dũng báo tin mừng là Bộ Y tế đang dự thảo chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo và học sau đại học cho người làm ở y tế cơ sở. Kế tiếp, sẽ có kế hoạch ưu tiên người công tác ở y tế cơ sở được luân phiên, chuyển giao học tập và đào tạo tại các bệnh viện tuyến trên.
Về thu nhập, ông Nguyễn Anh Dũng cho biết, đây cũng là vấn đề đang kiến nghị Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét làm sao chế độ, chính sách ở y tế cơ sở có thể thu ngắn được chênh lệch giữ y tế cơ sở và y tế tuyến trên.
Một vấn đề có nhiều ưu tư và đang được kiến nghị là cho phép bác sĩ ở cơ sở được sử dụng chứng chỉ hành nghề chuyên ngành để thực hiện khám chữa bệnh ngoài giờ theo chuyên khoa của chứng chỉ hành nghề. Điều này giúp động viên và góp phần tăng thu nhập cho nhân viên y tế cơ sở.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Lâm Hùng Tấn cho biết, hiện nay TPHCM đang thực hiện hỗ trợ thêm cho nhân viên y tế công tác tại tuyến y tế cơ sở với mức từ 300.000-900.000 đồng/người/tháng tùy trình độ và công việc.
Ông Lâm Hùng Tấn đánh giá, mức hỗ trợ thêm này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu giữ chân và đãi ngộ với đội ngũ y tế cơ sở. Hiện nay, TPHCM đang đề xuất HĐND TPHCM áp dụng hệ số thu nhập tăng thêm đối với nhân viên y tế công tác tại tuyến cơ sở với mức tối đa 1,8 lần mức lương và phụ cấp hiện hưởng. Cùng với đó, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho y tế cơ sở.
Trả lời câu hỏi của cử tri Nguyễn Sỹ Thắng (phường 17, quận Gò Vấp), về thực trạng TPHCM còn bao nhiêu trung tâm y tế, trạm y tế cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Trần Anh Tuấn khẳng định, đầu tư cơ sở vật chất cho ngành y tế là vấn đề cấp bách, được ưu tiên đầu tư. Nhu cầu vốn xây mới, cải tạo, nâng cấp của ngành y tế trong giai đoạn 2021-2025 là 10.700 tỷ đồng với 79 dự án và đã được HĐND TPHCM thông qua.
Riêng năm 2022, có 60 dự án được bố trí vốn với tổng mức là 5.042 tỷ đồng. Cùng với đó, TPHCM đề xuất với Trung ương dành thêm nguồn vốn từ chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong lĩnh vực y tế cho 178 dự án với quy mô trên 6.500 tỷ đồng. Trong đó, cải tạo, nâng cấp, xây mới 16 trung tâm y tế dự phòng quận, huyện và TP Thủ Đức với nhu cầu vốn 206 tỷ đồng; 152 trạm y tế phường xã với nhu cầu vốn 569 tỷ đồng.
Sớm hoàn thiện đề án nâng cao năng lực y tế cơ sở
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, UBND TPHCM sẽ sớm hoàn thiện đề án nâng cao năng lực y tế phường, xã, thị trấn để trình HĐND TPHCM xem xét thông qua. Trong đó tập trung các yếu tố như: mạng lưới tổ chức, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phát triển nguồn nhân lực; các cơ chế chính sách thu hút bác sĩ, nhân viên y tế về công tác tại các trạm y tế, y phát huy hiệu quả mô hình bác sĩ gia đình.
TPHCM cũng đề xuất BHXH, Bộ Y tế cho phép thành phố triển khai thí điểm cơ chế thanh toán BHYT đối với phòng khám bác sĩ gia đình, chăm sóc người bệnh tại nhà, tăng cường các loại thuốc bệnh mạn tính cho các trạm y tế để giảm áp lực khám BHYT tại các bệnh viện tuyến trên.
Đồng thời, trình HĐND TPHCM xem xét, thông qua cơ chế, chính sách đặc thù về củng cố, nâng cao năng lực trạm y tế phường, xã, thị trấn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, UBND TPHCM cũng sẽ tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và khai thác các phần mềm quản lý dữ liệu ngành y tế, quản lý hồ sơ bệnh án tại các trạm y tế và đảm bảo liên thông tuyến trên để từng bước phát triển tốt mô hình bác sĩ gia đình. Thành phố chú trọng nghiên cứu mô hình hoạt động trạm y tế theo các hình thức công – tư nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe cộng đồng tốt nhất.
UBND TPHCM cũng sẽ sớm thực hiện các bước quy trình sớm nhất có thể việc chuyển các trung tâm y tế trực thuộc Sở Y tế về quận, huyện, TP Thủ Đức quản lý.
Điều hành chương trình, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng đề nghị chính quyền thành phố cần xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng hoạt động của tuyến y tế cơ sở, thu hút người dân đến khám chữa bệnh ban đầu và thụ hưởng các hoạt động chăm sóc sức khoẻ cộng đồng tại y tế cơ sở.
Đồng chí nhấn mạnh, phải xây dựng các giải pháp bền vững để tăng cường, bố trí đầy đủ nguồn nhân lực phù hợp cho tuyến y tế cơ sở, đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ người dân trong điều kiện bình thường mới so với số dân hiện có tại các đơn vị hành chính. Cùng với đó, phải xây dựng chính sách đãi ngộ phù hợp nhằm tạo động lực mới cho đội ngũ nhân viên y tế cơ sở và thu hút nhân viên y tế về công tác tại tuyến y tế cơ sở; có chiến lược đầu tư cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM cũng lưu ý, phải có các giải pháp đồng bộ để tháo gỡ các bất cập khi khám bệnh BHYT; cải thiện danh mục thuốc trong khám chữa bệnh ban đầu; vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề và thi thăng hạng cho đội ngũ y tế cơ sở…
* Cử tri Hoàng Văn Cường, Quyền Giám đốc Trung tâm Y tế quận 8: Nên biệt phái các bác sĩ bệnh viện tuyến trên về y tế cơ sở Tôi đề nghị TPHCM có những chính sách phù hợp để thu hút nhân tài về công tác tại tuyến y tế cơ sở. Cụ thể như cần cấp chứng chỉ hành nghề cho bác sĩ mới ra trường có thời gian thực hành ở y tế cơ sở. Tôi rất mong có những chế độ đãi ngộ để các bác sĩ có tay nghề cao về công tác tại các trạm y tế để trạm y tế có thể phát huy vai trò khám chữa bệnh ban đầu, theo dõi sức khoẻ định kỳ cho người dân, không cần phải lên tuyến trên làm quá tải cho tuyến trên. Đề nghị tăng cường, biệt phái các bác sĩ bệnh viện tuyến trên về công tác tại tuyến y tế cơ sở để nhân viên y tế cơ sở có điều kiện cọ sát, học hỏi chuyên môn. Vai trò y tế cơ sở trong công tác phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng là rất quan trọng và phải tập trung đầu tư nhiều hơn nữa. Qua khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội cho thấy, đa số các địa phương và các trung tâm y tế, trạm y tế đề nghị sớm thực hiện việc chuyển các trung tâm y tế về trực thuộc quận, huyện, TP Thủ Đức quản lý; sớm trình HĐND TPHCM đề án nâng cao năng lực y tế phường, thị trấn và các chính sách thu hút bác sĩ, nhân viên y tế, nhân viên kỹ thuật về công tác tại trạm y tế, các chế độ đãi ngộ, giữ chân nhân viên y tế tại các Trung tâm y tế, trạm y tế.
Phải có bác sĩ giỏi ở y tế cơ sở thì người dân mới đến khám chữa bệnh. Vì thế, cần thu hút được bác sĩ trẻ giỏi, và cần cơ chế cho trạm y tế được ký hợp đồng dịch vụ với bác sĩ có nhiều kinh nghiệm trên địa bàn. Mặt khác, rất cần có cơ chế để trạm y tế hoạt động khám chữa bệnh như phòng khám đa khoa, hoạt động theo nguyên lý y học gia đình được phép ký hợp đồng dịch vụ và triển khai các dịch vụ tại cơ sở đó. Cần có môi trường sinh thái để hoạt động khám chữa bệnh được diễn ra tốt tại trạm y tế. Trên địa bàn các quận, huyện tại TPHCM đều có các bệnh viện hạng 1 trực thuộc Sở Y tế TPHCM. Để nâng cao chất lượng hoạt động tuyến y tế cơ sở, nên phân công nhiệm vụ các bệnh viện hạng 1 phụ trách trực tiếp về nhân sự và điều hành, kể cả luân phiên cử đội ngũ y bác sĩ có trình độ cao thay phiên đến công tác tại y tế cơ sở. Như vậy, người dân thay vì đi cả tiếng mới tới bệnh viện đông đúc thì có thể chỉ cần 5-10 phút là gặp được bác sĩ giỏi ngay tại y tế cơ sở. Quan trọng nhất là y tế cơ sở phải có được niềm tin của chính nhân viên y tế và niềm tin của người dân. Từ đó, y tế cơ sở hoạt động hiệu quả, góp phần giảm tải y tế tuyến trên. |