Cục Thi hành án dân sự TPHCM đánh giá trong thu hồi tài sản, tiền ở các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế có khó khăn, vướng mắc. Trong đó, một số nội dung bản án tuyên không rõ, không khả thi, khó thi hành hoặc dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau; một số tài sản kê biên là góp vốn, cổ phần, cổ phiếu chưa niêm yết, tài sản dự án hình thành trong tương lai; người phải thi hành án không còn tài sản, không có điều kiện thi hành án; người phải thi hành án không hợp tác khi một số tài sản kê biên xử lý là quyền sử dụng đất nông nghiệp hết hạn sử dụng toàn bộ hoặc một phần. Đặc biệt, các bị cáo trong vụ án tham nhũng, kinh tế liên quan đến nhiều bản án khác nhau dẫn đến việc thi hành án cũng gặp khó khăn. |
Ngày 6-12, Cục Thi hành án dân sự TPHCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022.
Lãnh đạo từ Trung ương tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi. Về phía lãnh đạo TPHCM có Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cùng lãnh đạo một số ban, ngành TPHCM.
Cục Thi hành án dân sự TPHCM tổ chức hội nghị triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2022. Ảnh: VĂN MINH
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu ghi nhận những nỗ lực, kết quả đạt được trong năm 2021 của cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp. Bên cạnh đó, đồng chí chỉ ra một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc, đồng thời yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự 2 cấp của TPHCM tập trung thực hiện tốt trong thời gian tới.
Trong đó, Phó Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự hai cấp của thành phố chủ động phối hợp với các ngành, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ thi hành án, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế bởi kết quả thu hồi tài sản, tiền còn thấp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VĂN MINH
Đặc biệt, cơ quan thi hành án tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các hạn chế, thiếu sót, vi phạm trong công tác thi hành án dân sự; xử lý nghiêm chấp hành viên, công chức, người lao động có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.
Song song đó, cơ quan thi hành án cần tăng cường đối thoại và nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết kịp thời, đúng quy định đối với các khiếu nại, tố cáo của công dân về thi hành án dân sự.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi cho biết, lãnh đạo Bộ Tư pháp tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện đối với Cục Thi hành án dân sự TPHCM trong thời gian tới để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời đề nghị Tổng Cục Thi hành án dân sự tổng hợp các ý kiến, kiến nghị tại hội nghị để kịp thời tham mưu, đề xuất lãnh đạo Bộ Tư pháp xem xét, chỉ đạo.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VĂN MINH
Bên cạnh đó, Thứ Trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TPHCM tập trung nguồn lực tổ chức thi hành án trong việc thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng, kinh tế. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thi hành án, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, vi phạm.
Trước đó, Cục Thi hành án dân sự TPHCM báo cáo kết quả thu hồi tài sản các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế trong năm 2021.
Cụ thể, tổng số vụ việc phải thi hành án là 282 vụ. Trong đó, số vụ việc có điều kiện thi hành là 197 vụ, chưa điều kiện thi hành là 75 vụ, hoãn thi hành 7 vụ, tạm đình chỉ 3 vụ, thi hành án xong 45 vụ (đạt 22,84% trên số vụ có điều kiện thi hành án).
Dịp này có 1 tập thể, 3 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thành tích xuất sắc trong phối hợp thực hiện công tác thi hành án dân sự tại TPHCM. Ảnh: VĂN MINH
Tổng số tiền phải thi hành là hơn 55.199 tỷ đồng, trong đó đã thi hành xong hơn 3.095 tỷ đồng/29.490 tỷ đồng có điều kiện thi hành án (đạt tỷ lệ 10,50%). Đồng thời, số tiền chưa có điều kiện thi hành án là trên 24.809 tỷ đồng, hoãn thi hành trên 814 tỷ đồng, tạm đình chỉ trên 85 tỷ đồng.