Cụ thể, học sinh làm bài thi môn Ngữ văn trong thời gian 120 phút. Cấu trúc đề thi không thay đổi so với năm học trước, gồm 3 phần là Đọc hiểu (3 điểm), Nghị luận xã hội (3 điểm) và Nghị luận văn học (4 điểm).
Ở phần Đọc hiểu, văn bản được lựa chọn thuộc một trong các thể loại gồm: văn bản nghị luận, văn bản thông tin, văn bản văn học, văn bản khoa học...
Các câu hỏi ở phần Đọc hiểu được tổ chức theo các mức độ tư duy từ dễ đến khó, từ nhận biết, thông hiểu đến phân tích, suy luận và đánh giá, vận dụng. Trong đó, có một câu hỏi về tiếng Việt.
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, văn bản được lựa chọn đáp ứng các tiêu chí nội dung phù hợp với lứa tuổi học sinh, gắn với tình hình thời sự… nhằm giúp học sinh luyện tập các kỹ năng đọc hiểu gồm phát hiện, nhận diện, giải mã từ ngữ, chi tiết, hình ảnh; tìm các vấn đề tiếng Việt có trong văn bản; tập tóm tắt văn bản; nối kết văn bản đang đọc với văn bản khác liên quan, nối kết với thực tế cuộc sống, đưa ra quan điểm cá nhân về vấn đề đặt ra trong văn bản; sáng tạo cách thể hiện khác, đề xuất giải pháp, đặt nhan đề mới…
Khi trả lời các câu hỏi đọc hiểu, thí sinh cần đọc toàn bộ văn bản để nắm nội dung, trả lời ngắn gọn, rõ ràng theo đúng yêu cầu của đề, tránh lan man, dài dòng không cần thiết.
Với câu hỏi nghị luận xã hội, bài làm của thí sinh có dung lượng khoảng 500 chữ, đảm bảo cấu trúc bài nghị luận gồm mở bài, thân bài, kết bài.
Trong đó, phần mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai vấn đề, kết bài kết luận vấn đề.
Thí sinh cần phân tích, xác định đúng vấn đề cần nghị luận; triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lý lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động.
Song song đó, thí sinh phải rèn luyện các thao tác lập luận, đặc biệt là thao tác lập luận giải thích, chứng minh, bình luận; tránh các lỗi như thiếu thao tác lập luận, vận dụng các thao tác lập luận chưa hiệu quả (dẫn chứng chưa sát với vấn đề, thiếu phân tích dẫn chứng để làm rõ vấn đề…) hoặc chưa rút ra được bài học cho bản thân thông qua việc bàn luận vấn đề, các ý bàn luận chưa phong phú, sâu sắc, còn sơ sài.
Riêng câu hỏi nghị luận văn học, thí sinh được lựa chọn 1 trong 2 đề thi để làm bài.
Trong đó, đề 1 yêu cầu học sinh phân tích, cảm nhận một tác phẩm hoặc đoạn trích tác phẩm cụ thể có trong SGK, từ đó chỉ ra ảnh hưởng, tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc liên hệ tác phẩm khác, liên hệ thực tế cuộc sống để rút ra một vấn đề văn học hoặc cuộc sống.
Ở đề 2, đề thi đặt ra một tình huống cụ thể và yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, sự trải nghiệm trong quá trình đọc (tự chọn tác phẩm/đoạn trích) để giải quyết tình huống đó.
Như vậy, điểm thay đổi so với đề thi tuyển sinh lớp 10 năm học trước là năm nay đề 1 cho tác phẩm cụ thể có trong SGK, đề 2 cho thí sinh tự do lựa chọn tác phẩm, đoạn trích.
Để thực hiện tốt câu hỏi nghị luận văn học, thí sinh cần nắm vững kỹ năng viết bài văn nghị luận văn học; rèn luyện kỹ năng phân tích, cảm nhận tác phẩm văn học theo thể loại thơ, truyện; đọc thêm các tác phẩm ngoài SGK cùng thể loại và chủ đề với tác phẩm trong SGK, sau đó dùng kiến thức và trải nghiệm đọc tác phẩm để giải quyết một tình huống cụ thể.
Sở GD-ĐT TPHCM lưu ý, các lỗi thí sinh thường mắc ở câu hỏi nghị luận văn học như diễn xuôi lại tác phẩm; bài làm thiếu cảm xúc do ít đọc, ít suy tư, có thể do học vẹt; không hiểu rõ yêu cầu của đề, viết lại các nội dung đã học một cách máy móc.
Ngoài ra, thí sinh cần lưu ý phân bố thời gian hợp lý cho các phần, câu hỏi trong đề thi; tránh việc đọc đề không kỹ dẫn đến trả lời không đúng trọng tâm hoặc trả lời dài dòng, thừa ý; không trình bày, viết chữ cẩu thả, khó đọc; tổ chức bài làm hoàn chỉnh (không nên quá say sưa viết về một ý dẫn đến quên kết bài hoặc kết bài quá sơ sài).
Đặc biệt, các em không nên quá lo lắng, căng thẳng dẫn đến ảnh hưởng chất lượng bài làm.