Chiều 6-7, tại phiên bế mạc Kỳ họp thứ 5, HĐND TPHCM khóa IX đã thông qua 14 nghị quyết.
Trong số đó có các nội dung quan trọng như việc thành lập đoàn giám sát hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP, trọng tâm là tài nguyên đất do nhà nước quản lý; thành lập đoàn giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị và phản ánh của người dân về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2018...
Ngoài ra, HĐND TP thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư công đối với danh mục 101 dự án nhóm B sử dụng vốn ngân sách nhà nước có tổng vốn đầu tư gần 27.090 tỷ đồng (gồm gần 26.360 tỷ đồng từ ngân sách TP và phần còn lại từ các nguồn khác).
HĐND TP còn thông qua nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn từ năm 2016-2020 với tổng vốn đầu tư gần 171.890 tỷ đồng, gồm gần 21.900 tỷ đồng từ vốn ngân sách trung ương (chưa gồm 10% dự phòng) và 150.00 tỷ đồng từ ngân sách TP.
Đồng thời, TP tiếp tục nghiên cứu, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế; triển khai quyết liệt thực hiện 7 chương trình đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, cuối năm 2017 đánh giá kết quả và tiến độ thực hiện, làm rõ trách nhiệm các cấp, các đơn vị, người đứng đầu trong chương trình; tập trung điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TPHCM đến năm 2025, tầm nhìn 2030 và quy hoạch sử dụng đất của TP, dành tỷ lệ đất cho phát triển dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp TP phù hợp với cơ cấu các ngành kinh tế của TP và yêu cầu phát triển nhanh, bền vững…
Nghị quyết cũng yêu cầu tập trung kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước, đồng thời triển khai các giải pháp có tính đột phá để tăng cường huy động, khai thác các nguồn vốn xã hội hóa trên các lĩnh vực; thực hiện nhanh, đồng bộ các dự án, công trình cấp bách, trọng điểm, nhất là các công trình, dự án giải quyết các vấn đề…
Phấn đấu cuối năm 2017 triển khai các dự án đầu tư thuộc đường vành đai 2 (64 km, còn 14 km chưa khép kín) và vành đai 3 (89 km, hiện chưa có km nào); đưa vào sử dụng toàn tuyến đường vành đai 2 và một phần đường vành 3 trước năm 2020.
Liên quan công tác bảo đảm trật tự đô thị, nghị quyết nêu TP cần có kế hoạch toàn diện, mục tiêu, lộ trình cụ thể, có lộ trình hợp lý, lấy người dân làm trung tâm để người dân từng khu dân cư cùng bàn kế hoạch và chính quyền điều hành, người dân giám sát. Cuối năm 2017, TP có báo cáo tình hình thực hiện cho HĐND TP.
7 chương trình đột phá thực hiện còn chậm
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá tình hình kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng, an ninh trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm 2017 đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện nghị quyết HĐND TP về kinh tế - xã hội năm 2017; đảm bảo an toàn thực phẩm; quản lý, phát triển nông nghiệp còn một số mặt hạn chế, yếu kém; thực hiện 7 chương trình đột phá còn chậm...
Từ đó, đồng chí Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị UBND TP chỉ đạo quyết liệt chấn chỉnh kỷ cương trong bộ máy chính quyền; cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy sản xuất, cải cách hành chính để đạt mục tiêu tăng trưởng. Về vấn đề trật tự đô thị, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh, TP phải lấy người dân làm trung tâm, để người dân cùng chính quyền bàn kế hoạch, thực hiện và giám sát. Quản lý trật tự đô thị đối với lòng đường, vỉa hè cần có kế hoạch toàn diện, mục tiêu cụ thể, lộ trình hợp lý; phân công nhiệm vụ rõ ràng, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. “Chúng tôi đề nghị UBND TP tổ chức triển khai 17 nghị quyết của HĐND TP có hiệu quả. HĐND các cấp cũng như cử tri sẽ giám sát việc thực hiện lời hứa của các đơn vị được chất vấn; đồng thời theo dõi sát tiến độ thực hiện các nghị quyết của HĐND”, Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.