Đề án này được xây dựng với tinh thần không can thiệp bằng biện pháp hành chính vào việc chuyển và nhận tiền kiều hối, mà chủ yếu định hướng nguồn lực này vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TPHCM. Hình thức đầu tư trực tiếp hoặc thông qua các quỹ sản xuất như quỹ kiều hối bất động sản, quỹ kiều hối hỗ trợ cho sản xuất nhỏ và vừa, quỹ đầu tư người Việt Nam ở nước ngoài… Định hướng này tạo cơ hội cho cá nhân, tổ chức nhận kiều hối có thêm lựa chọn tham gia đầu tư, xây dựng các công trình hạ tầng như trường học, bệnh viện, công trình thể dục thể thao, trung tâm hội chợ, triển lãm… thông qua việc đề xuất phát hành trái phiếu thành phố.
Năm 2023, lượng kiều hối chuyển về TPHCM qua các kênh chính thức đạt kỷ lục với gần 9,5 tỷ USD, tăng 43,3% so với năm 2022. Quý 1-2024, lượng kiều hối về TPHCM đã đạt 2,9 tỷ USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ. Tháng 4-2024, Báo SGGP tổ chức loạt bài và tọa đàm chủ đề “Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng”, gợi mở nhiều vấn đề được các cơ quan đánh giá cao và ghi nhận trong quá trình xây dựng đề án.