TPHCM thông qua chủ trương đầu tư 4 dự án BOT tổng mức đầu tư hơn 57.500 tỷ đồng

Chiều 20-2, tiếp tục kỳ họp 21 HĐND TPHCM khóa X, các đại biểu đã thông qua dự thảo nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư 4 dự án BOT nâng cấp, mở rộng các tuyến đường cửa ngõ TPHCM với tổng mức đầu tư hơn 57.500 tỷ đồng.

z6335491641669_8700efd65b710102aad0ecaca7e9b3db.jpg
Đồng chí Dương Ngọc Hải trình bày tóm tắt các tờ trình của UBND TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tại kỳ họp, đồng chí Dương Ngọc Hải, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM trình bày tóm tắt các tờ trình của UBND TPHCM.

Trong đó, có các tờ trình về chủ trương đầu tư các dự án trên đường hiện hữu theo hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao) gồm: Dự án Nâng cấp đường trục Bắc – Nam; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22; Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Tổng mức đầu tư 4 dự án hơn 57.500 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án Dự án Nâng cấp đường trục Bắc - Nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức Long Thành) theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT).

Dự án trên nhằm tạo tuyến đường giao thông nhanh, ít gián đoạn kết nối Khu trung tâm hiện hữu với khu đô thị mới Nam Sài Gòn, Khu đô thị - Cảng Hiệp Phước; hình thành trục giao thông hướng tâm kết nối tuyến đường Vành đai 2 với cao tốc Bến Lức - Long Thành (vành đai 3) và sau này là Vành đai 4, đáp ứng nhu cầu giao thông liên vùng khu vực cửa ngõ phía Nam thành phố với các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ và hệ thống cảng biển và sân bay quốc tế Long Thành.

z6335740557506_2981b663193b4f4c8a49b9914f5b8aa2.jpg
Đại biểu biểu quyết thông qua các dự thảo nghị quyết. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự án Nâng cấp đường trục Bắc – Nam là dự án nhóm A, nằm trên đại bàn quận 7 và huyện Nhà Bè. Dự kiến được triển khai thực hiện năm 2025-2028.

Chiều dài tuyến khoảng 8,6 km với điểm đầu giao với đường Nguyễn Văn Linh và điểm cuối là giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Mặt cắt ngang dự án rộng 60m, quy mô 10 làn xe, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp quy định. Vận tốc thiết kế với tuyến chính 80km/giờ, đường song hành hai bên với vận tốc thiết kế 60km/giờ.

Diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 66,5ha, trong đó diện tích đất phải thực hiện giải phóng mặt bằng hơn 2,27ha. Tổng mức đầu tư dự án sơ bộ khoảng 9.894 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 5.214 tỷ đồng. Phần vốn ngân sách thành phố tham gia trong dự án khoảng 4.680 tỷ đồng.

Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT).

Dự án nhằm tạo tuyến đường giao thông nhanh kết nối liên vùng, kết nối với các đường cao tốc, đường vành đai góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông ở cửa ngõ phía Nam TPHCM. Nâng cao khả năng thông hành của đường Quốc lộ 1 là trục xuyên tâm Đông Tây TPHCM, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội Thành phố và các tỉnh lân cận.

Dự án nằm trên địa phận quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, có chiều dài tuyến khoảng 9,62km với điểm đầu giao với đường Kinh Dương Vương và điểm cuối là ranh tỉnh Long An. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2025 – 2028.

Diện tích đất chiếm dụng khoảng 95,77ha, trong đó diện tích đất phải thực hiện giải phóng mặt bằng khoảng 29,18ha (quận Bình Tân: 1,56 ha, huyện Bình Chánh: 27,62 ha). Tổng mức đầu tư dự án sơ bộ khoảng 16.285 tỷ đồng. Phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 6.674 tỷ đồng. Phần vốn ngân sách thành phố tham gia trong dự án: khoảng 9.611 tỷ đồng.

20240102_060121.jpg
Tuyến Quốc lộ 22 đoạn qua huyện Hóc Môn, TPHCM. Ảnh: NGÔ BÌNH

Dự án Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3) theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT).

Dự án nhằm tạo tuyến đường giao thông nhanh, hoàn chỉnh hệ thống giao thông khu vực, thuận lợi kết nối liên vùng, liên khu vực, kết nối với các đường cao tốc, đường vành đai góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông ở cửa ngõ phía Tây TPHCM; tăng năng lực, hiệu quả khai thác tuyến đường, tạo tiền đề hình thành hành lang kinh tế Đông – Tây dọc theo Quốc lộ 22, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố và các tỉnh lân cận.

Dự án nằm trên địa phận quận 12, huyện Hóc Môn, tổng chiều dài khoảng hơn 8km, mặt cắt ngang đường rộng 60m, quy mô 10 làn xe; xây dựng 7 cầu vượt trực thông qua 7 nút giao trên 4 làn xe tốc độ cao, ít gián đoạn. Đây là công trình đường bộ - đường trong đô thị, cấp đặc biệt.

Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 10.424 tỷ đồng. Trong đó phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp khoảng 4.190 tỷ đồng. Phần vốn ngân sách thành phố tham gia trong dự án khoảng 6.234 tỷ đồng.

Dự kiến diện tích đất chiếm dụng khoảng 49,25ha (địa bàn quận 12 gần 4,3 ha; huyện Hóc Môn gần 45ha). Diện tích bị ảnh hưởng phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng là 16,6ha trên địa bàn huyện Hóc Môn.

z6335558074937_91fed5451f9c012b2d2308cedfc9f591.jpg
Đại biểu dự kỳ họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Dự án Nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương) theo phương thức đối tác công tư (Hợp đồng BOT). Dự án nhằm tăng cường kết nối vùng, tạo thông suốt giao thông giữa các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, trung tâm văn hóa với các sân bay, bến cảng quốc tế là cần thiết.

Dự án này được triển khai trên địa bàn TP Thủ Đức, có tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 20.900 tỷ đồng. Phần vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chịu trách nhiệm thu xếp hơn 6.281 tỷ đồng. Phần vốn ngân sách thành phố tham gia trong dự án hơn 14.619 tỷ đồng.

Chiều dài tuyến khoảng 5,9km với điểm đầu giao với cầu Bình Triệu và điểm cuối là ranh tỉnh Bình Dương. Mặt cắt ngang được xác định rộng 60m với quy mô 10 làn xe và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật phù hợp với quy mô quy hoạch. Tổng cộng bố trí 10 vị trí giao cắt; vận tốc tuyến chính 80km/h, đường song hành hai bên khoảng 60km/giờ.

Sau khi thảo luận, đại biểu HĐND TPHCM đã biểu quyết, thông qua các dự thảo nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư các dự án trên.

Tin cùng chuyên mục