Cụ thể, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cần rà soát, thống kê những lao động làm các nhóm công việc sau:
1. Bảo mẫu, quét dọn, giúp việc gia đình thuê
2. Bảo vệ, giữ xe, rửa xe thuê; sửa xe, vá xe nhỏ lẻ; bán báo dạo, đánh giày hoặc công việc có tính chất tương tự
3. Bán hàng và trợ giúp bán hàng thuê (trong cửa hàng tại chợ, quầy hàng, điểm buôn bán nhỏ, tạp hóa)
4. Xử lý hạt giống để nhân giống (làm hạt giống…), đốn lá (lợp nhà…)
5. Đánh bắt thủy sản ven biển và nội địa – tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh khai thác, đánh bắt thủy sản (như bắt cá, cào nghêu, làm mồi câu, kéo lưới, đan lưới, đánh lưới…)
6. Thợ hồ (thợ nề), phụ hồ, thợ sơn, thợ mộc, thợ phụ - tự làm hoặc làm việc theo nhóm (mang tính riêng lẻ, độc lập), hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh xây dựng dân dụng
7. Tài xế, phụ xe, lơ xe, tiếp viên, nhân viên làm thuê tại các hộ kinh doanh vận tải
8. Xe ôm công nghệ
9. Tự làm hoặc làm thuê tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, may gia công, làm hàng thủ công, mỹ nghệ
10. Nhóm công việc khác do UBND TP Thủ Đức và quận, huyện đề xuất bổ sung
Sở LĐTB-XH TPHCM yêu cầu việc thống kê phải thực hiện nhanh chóng, hoàn thành trước ngày 24-7 để Sở báo cáo UBND TPHCM.
Theo Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn, hiện nay, nhiều lao động tự do, khoảng 27.000 người đang nằm ngoài 6 nhóm hỗ trợ đã nêu trong Nghị quyết 09. Họ chưa nhận được hỗ trợ và đời sống đang rất khó khăn.
Vì thế, Sở LĐTB-XH TPHCM đang xem xét, đề xuất TPHCM bổ sung hỗ trợ những lao động này từ nguồn Quỹ phòng chống dịch Covid-19.
Nếu đề xuất được thông qua, dự kiến những người lao động (NLĐ) này sẽ nhận được hỗ trợ từ ngày 25-7 trở đi. TPHCM sẽ cố gắng hỗ trợ tối đa, không để một ai vì tác động của dịch Covid-19 mà rơi vào cảnh khốn khổ, khó khăn.
Liên quan đến việc chi hỗ trợ, từ ngày 5-7 đến nay, có gần 236.000 trong tổng số 237.500 lao động tự do đã nhận được hỗ trợ. Như vậy, có gần 100% lao động tự do được nhận hỗ trợ trong đợt này và TPHCM cơ bản hoàn thành việc chi hỗ trợ đối với lao động tự do.
Hiện nay, TPHCM tập trung chi hỗ trợ cho công nhân ở các khu chế xuất - khu công nghiệp và các doanh nghiệp (DN) đóng trên địa bàn các quận, huyện. Đó là những lao động ở các DN đang tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (khoảng 68.000 người); NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (24.000 người).
Đồng thời, chi hỗ trợ tới 60.000 điểm kinh doanh ở các chợ truyền thống và khoảng 10.000 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động. Việc chi hỗ trợ NLĐ tại các DN được triển khai nhanh gọn trong 10 ngày (từ 16-7 đến 25-7). Trong đó, dự kiến đến ngày 19-7, có khoảng 50% NLĐ thuộc diện trên sẽ nhận được hỗ trợ. Tiền được chuyển khoản thẳng tới NLĐ.
Dự kiến, từ ngày 25-7, TPHCM tập trung hỗ trợ đối với NLĐ cho những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16. Cùng với chi trả gói hỗ trợ 886 tỷ đồng của TPHCM, TP cũng trích ngân sách TP để thực hiện hỗ trợ theo gói 26.000 tỷ đồng của Chính phủ. Nguyên tắc là trường hợp người được hỗ trợ thuộc diện hưởng từ 2 chế độ trở lên thì chỉ được hưởng 1 chế độ hỗ trợ (1 diện) cao nhất.
Các mốc đáng chú ý
|