5 sở ngành, quận huyện không còn xe công
Đây là mô hình quản lý, sử dụng xe công mới, đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương thực hiện thí điểm. Theo đó, UBND TP giao Công ty Công ích TNXP hoàn chỉnh đề án thí điểm dịch vụ phục vụ hoạt động chính quyền UBND TP để TPHCM xem xét, quyết định triển khai. Trước tiên việc thí điểm sẽ thực hiện ở một số sở ngành, quận huyện. Các đơn vị thí điểm sẽ chuyển giao số xe công cùng lực lượng tài xế, tạp vụ và bảo vệ của đơn vị mình cho Công ty Công ích TNXP quản lý. Sau đó, các sở ngành, quận huyện sẽ thuê lại xe lẫn tài xế để sử dụng. TPHCM yêu cầu thực hiện thí điểm trước ở một số đơn vị, trong số này có Sở Tài chính xung phong tham gia đợt đầu.
Ông Lê Thành Khoa, Giám đốc Công ty Công ích TNXP, cho biết thêm việc chuyển từ hình thức cấp xe công sang thuê xe công sẽ được thí điểm trước ở 5 sở ngành, quận huyện. Gồm: Văn phòng UBND TP, Sở Tài chính (đơn vị có thẩm quyền xem xét, thẩm định các liên quan đến quản lý, vận hành xe công), Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM (đơn vị mới thành lập), 2 địa phương đại diện cho khu vực nội thành (quận Bình Thạnh) và ngoại thành (huyện Bình Chánh). Hiện Công ty Công ích TNXP đã đề nghị 5 sở ngành, quận huyện nêu trên thống kê lượng xe, số tài xế, bảo vệ, tạp vụ cùng với thu nhập của những người phụ trách công việc vừa nêu... Sau khi có các số liệu cụ thể, công ty sẽ làm việc với từng đơn vị dự kiến thí điểm để nắm bắt nhu cầu sử dụng xe và có sự tính toán, điều phối phù hợp với từng đơn vị. Trên cơ sở đó, công ty sẽ hoàn chỉnh đề án, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.
Xe công sẽ gắn biển trắng
Theo thống kê, trên địa bàn TPHCM hiện có khoảng 700 ô tô công. Đa phần các xe công hiện nay đã cũ và tiền bảo trì, bảo dưỡng, duy tu sửa chữa mỗi năm rất lớn. Mặt khác, việc bố trí xe công ở một số đơn vị còn chưa phù hợp. Điển hình, theo quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe công (Quyết định 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ) thì cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Tỉnh ủy, UBND cấp tỉnh (như văn phòng Tỉnh ủy, văn phòng HĐND và UBND, các sở ban ngành và các tổ chức tương đương); Quận ủy, Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy; HĐND và UBND cấp huyện được trang bị tối đa 2 ô tô/đơn vị. Tuy nhiên, một số đơn vị như UBND quận Bình Thạnh có 4 ô tô công (3 chiếc loại 5 chỗ và 1 chiếc loại 16 chỗ)… Trong khi đó, Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM hiện vẫn chưa được bố trí một chiếc xe công nào, dù theo tiêu chuẩn được 2 ô tô công. Qua việc thí điểm này, TPHCM cũng sẽ rà soát lại số ô tô công phục vụ chức danh; ô tô công phục vụ công tác chung và ô tô công chuyên dùng.
Ông Lê Thành Khoa cho biết thêm, nếu đề án được triển khai thì toàn bộ các xe công này sẽ điều chuyển về cho Công ty Công ích TNXP. Khi đó, các xe công sẽ được gắn biển số trắng, thay vì biển số xanh như hiện nay. Từ nhu cầu của các đơn vị, Công ty Công ích TNXP sẽ bố trí xe (kèm tài xế) cho phù hợp và sẽ “tận dụng” thời gian trống còn lại của xe để cho thuê dịch vụ. Như vậy, thời gian làm việc của các tài xế có thể tăng hơn và đương nhiên thu nhập cũng cao hơn so với hiện nay. Tuy nhiên, theo ông Khoa, trong giai đoạn đầu thí điểm sẽ chưa thực hiện việc thay đổi chủ sở hữu và chưa thay đổi biển số từ xanh qua trắng.
Liên quan đến tiến độ cụ thể, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, cho biết UBND TP sẽ chủ trì, nghe các đơn vị liên quan báo cáo về đề án để có quyết định cụ thể.
Bố trí xe riêng đối với một số chức danh lãnh đạo
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến, cho biết một số chức danh lãnh đạo thường trực, thường vụ thì phải bố trí xe để đảm bảo công việc, công tác an ninh. Các quận huyện, đơn vị sự nghiệp của TPHCM sẽ chuyển giao toàn bộ xe công về Công ty Công ích TNXP quản lý. Sau khi tiếp nhận toàn bộ số xe công này, Công ty Công ích TNXP sẽ phân bổ hợp lý về các cơ quan, đơn vị thuê xe. Tiền cho thuê xe sẽ nộp vào ngân sách. Tất cả tài xế ở các sở ngành, quận huyện dự kiến sẽ được công ty này tiếp nhận, bố trí làm việc và quản lý, trả lương.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, mô hình này nhằm tạo sự kiểm soát chặt chẽ hơn về việc sử dụng xe công, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước về tiền mua sắm xe hàng năm và giảm chi phí phát sinh bộ máy quản lý riêng. Việc quản lý, sử dụng xe công sẽ hiệu quả hơn vì hiện nay có những ngày lãnh đạo sở ngành, quận huyện không đi họp hoặc chỉ đi họp một buổi thì xảy ra tình trạng vừa lãng phí xe vừa lãng phí lái xe... Khi chuyển sang mô hình mới sẽ khắc phục các bất cập trên; đồng thời TPHCM không mua xe công mà chỉ thuê nên sẽ không phải tốn kém chi phí bảo trì, trả lương tài xế.
Theo ông Trần Vĩnh Tuyến, mô hình này nhằm tạo sự kiểm soát chặt chẽ hơn về việc sử dụng xe công, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước về tiền mua sắm xe hàng năm và giảm chi phí phát sinh bộ máy quản lý riêng. Việc quản lý, sử dụng xe công sẽ hiệu quả hơn vì hiện nay có những ngày lãnh đạo sở ngành, quận huyện không đi họp hoặc chỉ đi họp một buổi thì xảy ra tình trạng vừa lãng phí xe vừa lãng phí lái xe... Khi chuyển sang mô hình mới sẽ khắc phục các bất cập trên; đồng thời TPHCM không mua xe công mà chỉ thuê nên sẽ không phải tốn kém chi phí bảo trì, trả lương tài xế.