Thêm nữa, ngành du lịch thành phố cũng tăng cường phối hợp cùng các địa phương kết nối tour liên tuyến đưa đón khách hai chiều, sẵn sàng cho mục tiêu đón khách chi tiêu cao.
Gắn kết sản phẩm
Vài ngày trước, một nhóm khách tàu biển quốc tế thuộc doanh nghiệp có tiếng ở TPHCM được trải nghiệm Địa đạo Phú Thọ Hòa (quận Tân Phú), tham quan vườn dừa tại huyện Bình Chánh… Họ thực sự thích thú, ngỡ ngàng với những điểm đến lạ so với lộ trình đầy quen thuộc trước đây như nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, Bưu điện Thành phố... “Rõ ràng, TPHCM có rất nhiều điểm đến thú vị. Từ những chuyến khảo sát thực tế thuộc chương trình mỗi quận, huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng, doanh nghiệp sẽ thiết kế các tour phù hợp để đón khách”, chuyên gia thiết kế sản phẩm du lịch Phan Yến Ly cho hay.
Khách quốc tế tham quan Bảo tàng y học cổ truyền Việt Nam, quận 10, TPHCM. Ảnh: THI HỒNG |
Hiện tại, khách nước ngoài đến tham quan TPHCM rất thích dạo phố, thưởng thức ẩm thực đêm thông qua các sản phẩm tour du lịch bằng Vespa cổ hay Foodtour… Trong đó, chợ Bình Tây, tuyến phố cưới hỏi, trầu cau (quận 6); dạo phố ẩm thực và chợ hoa tươi Hồ Thị Kỷ (quận 10) được du khách quan tâm.
Thêm nữa, một vài tour thú vị khác cũng được khách lựa chọn như: trải nghiệm tour Biệt động Sài Gòn, du ngoạn sông nước và thưởng thức ẩm thực về đêm ngắm sông Sài Gòn, khám phá điểm du lịch cộng đồng tại ấp Thiềng Liềng thuộc xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ)…
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TPHCM, từ đầu năm đến nay, TPHCM có thêm nhiều sản phẩm du lịch mới do các quận, huyện công bố như “Phố sức khỏe” (quận 10), tour “Du ngoạn sử xanh” (quận 3), tour “Vùng đất của những câu chuyện” (quận 8)… Bà Thảo cho biết, việc khảo sát sản phẩm tại từng quận, huyện nhằm sàng lọc, tìm ra sản phẩm du lịch đặc trưng của TPHCM, hướng đến tạo điểm nhấn, thu hút du khách.
Quảng bá mạnh, đa kênh
Muốn du khách biết đến các điểm đến thú vị tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp gợi ý, ngành du lịch thành phố cần tăng cường đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trong nước và quốc tế. Thời gian gần đây, TPHCM đã xúc tiến liên kết, quảng bá du lịch tại Mỹ, Australia, các nước khu vực Đông Nam Á và sự nỗ lực này rất đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa đủ.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel, thông tin, doanh nghiệp đang khai thác một số sản phẩm đặc trưng của TPHCM, nhưng để khách quốc tế quan tâm nhiều hơn, ngành du lịch cần có chiến lược quảng bá sớm khoảng 1 năm trở lên. Vì khách quốc tế thường lên kế hoạch đi chơi trước từ 6 tháng đến 1 năm.
Góp ý thêm cho sự phát triển của du lịch TPHCM, ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông - Marketing TST Tourist, cho rằng, xu hướng chi tiêu của khách hàng có nhiều thay đổi trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, đặc biệt là các đoàn khách lớn. Do vậy, thành phố cân nhắc xem xét lợi thế thu hút nguồn khách tại chỗ (hơn 10 triệu dân ở TPHCM - PV) gồm công nhân viên, người lao động; song song đó là thu hút các đoàn khách MICE (hội thảo kết hợp du lịch) trong nước cũng như quốc tế. Về lâu dài, thành phố tiếp tục làm sạch các kênh, xây thêm bến tàu du lịch đón trả khách… Việc tăng cường quảng bá vẻ đẹp du lịch thành phố qua các kênh thông tin trong nước, quốc tế thông qua những người kinh doanh, buôn bán, tài xế taxi… cũng là điều cần thực hiện thường xuyên. TPHCM có lợi thế lớn với vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước, nơi tập trung hàng loạt doanh nghiệp du lịch, lữ hành lớn và luôn sẵn sàng những ý tưởng đột phá.
Tuy nhiên, chính các doanh nghiệp cũng thừa nhận, để đón dòng khách chi tiêu cao đến thành phố cần rất nhiều yếu tố, một trong số đó là phải có sản phẩm đặc trưng và chất lượng dịch vụ ổn định. Tiếp đến, các ý tưởng phải được hiện thực hóa, trong đó Sở Du lịch TPHCM đóng vai trò chủ đạo.