TPHCM: Thêm 1 trung tâm hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt đi vào hoạt động

Sáng 17-1, hơn 100 phụ huynh, giáo viên, chuyên gia tâm lý, đại diện các trung tâm giáo dục đặc biệt, khoa nhi ở các bệnh viện đã tham dự Hội thảo “Chăm sóc và giáo dục trẻ có nhu cầu đặc biệt” do Tổ chức giáo dục Embassy Education tổ chức.  

Tại buổi hội thảo, ThS. Trịnh Thị Kim Ngọc, Trưởng Khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM cho biết, hiện nay nhiều phụ huynh, giáo viên vẫn nhầm lẫn giữa “can thiệp” (1 giáo viên – 1 trẻ) và “can thiệp sớm” (1 giáo viên - 1 trẻ - 1 phụ huynh). Theo đó, can thiệp sớm là hoạt động can thiệp dành cho trẻ em dưới 6 tuổi với sự đồng hành của cả chuyên gia tâm lý, y tế lẫn phụ huynh.

Can thiệp sớm được chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn đầu từ 0-3 tuổi, giáo viên xây dựng chương trình để hướng dẫn cha mẹ cùng thực hiện tại gia đình hoặc tại trung tâm, trường học. Giai đoạn 2 từ 3-6 tuổi, giáo viên can thiệp sớm tiếp tục hỗ trợ giáo viên dạy hòa nhập cho trẻ ở các trường phổ thông.

TPHCM: Thêm 1 trung tâm hỗ trợ trẻ có nhu cầu đặc biệt đi vào hoạt động ảnh 1 Trẻ tự kỷ cần được tham gia các chương trình can thiệp sớm 

ThS. Trịnh Thị Kim Ngọc thừa nhận, hiện nay nhiều gia đình có con mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ ở Việt Nam vẫn còn e ngại và dè dặt trong việc chia sẻ các vấn đề con gặp phải với cộng đồng, từ đó nảy sinh rào cản trong quá trình tìm gặp các nhà chuyên môn nhằm tìm ra giải pháp can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Chuyên gia này thông tin, chương trình can thiệp sớm xuất hiện lần đầu tiên ở TPHCM vào năm 1995 qua một chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan dành cho đối tượng học sinh khiếm thính. Chương trình kéo dài trong 10 năm, trong đó nhiều em sau khi được can thiệp đã hòa nhập tốt ở trường phổ thông, trở thành công dân có ích trong xã hội.

Những năm sau đó, chương trình được mở rộng với nhiều đối tượng, đa dạng tật như trẻ khiếm thị, trẻ tự kỷ, tăng động giảm chú ý…

Để trả lời cho câu hỏi “Thực hiện chương trình can thiệp sớm có khó không?”, ThS. Trịnh Thị Kim Ngọc bày tỏ, hiện nay đội ngũ chuyên gia chẩn đoán các dạng tật ở TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng.

Nhiều phụ huynh rơi vào cảnh đưa con đi khám nhiều nơi nhưng mỗi nơi cho một kết quả chẩn đoán khác nhau.

Bên cạnh đó, xã hội ngày càng phát triển, phụ huynh bận rộn với công việc không có thời gian tham gia can thiệp sớm cùng con, trong khi ông bà và người chăm sóc gặp khó khăn trong việc tương tác với trẻ.

Một lý do khác vô cùng quan trọng là Khoa Giáo dục đặc biệt của các trường sư phạm hiện nay chưa đào tạo chuyên ngành can thiệp sớm, chỉ đào tạo giáo viên giáo dục đặc biệt.  

Thêm vào đó, việc Bộ GD-ĐT chưa có chương trình giáo dục quốc gia dành cho trẻ có nhu cầu đặc biệt khiến mỗi trường triển khai một chương trình, cách thức khác nhau.

Theo TS. Simona, Giám đốc Trung tâm Phát triển trẻ em, Bệnh viện Gia Khang (quận 7), hiện nay một số lượng lớn trẻ em đang gặp khó khăn về phát triển trong những năm đầu đời. Chuyên gia này cho biết, cứ 54 trẻ thì có 1 trẻ được xác định mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Rối loạn phổ tự kỷ được ghi nhận ở tất cả các nhóm chủng tộc, dân tộc và kinh tế xã hội, phổ biến ở bé trai nhiều hơn 4 lần so với bé gái.

Trong một nghiên cứu từ năm 2009 đến năm 2017, có 1/6 trẻ  (tỷ lệ 17%) từ 3-17 tuổi được chẩn đoán có những khuyết tật phát triển bao gồm tự kỷ, rối loạn tăng động giảm chú ý, khiếm thị, bại não và một số bệnh khác.

Ngoài ra, thông tin từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay chỉ có 49 tài liệu liên quan đến rối loạn phổ tự kỷ đang được sử dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi được hỏi chỉ có 15,9% phụ huynh có con tự kỷ cho biết tiếp cận được với các tài liệu này, còn lại chủ yếu tìm hiểu qua báo mạng và các tài liệu phát tay. Vì thiếu thông tin, nhiều gia đình đã bỏ lỡ thời điểm “vàng” từ 0-6 tuổi, vốn là giai đoạn lý tưởng nhất để tiến hành can thiệp sớm.

Chia sẻ tại hội thảo, một phụ huynh có con 5 tuổi cho biết, khi phát hiện con mình có vấn đề về phát triển trí tuệ, hai vợ chồng đã dắt con đi từ Nam ra Bắc nhưng nhận nhiều kết quả chẩn đoán khác nhau, can thiệp tại nhiều nơi nhưng không có kết quả. “Vấn đề không chỉ ở tài chính mà điều quan trọng nhất là thời gian của con, công sức của ba mẹ. Tuổi thơ 6 năm đầu đời của con trôi qua rất nhanh, tôi không thể để con thử nghiệm nhiều chương trình khác nhau mà không có giải pháp”, phụ huynh này cho biết. 

Dịp này, Tổ chức giáo dục Embassy Education đã khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Giáo dục Special Em’s nhằm hỗ trợ, cung cấp chương trình can thiệp sớm và chương trình ngoại khóa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi có nhu cầu đặc biệt (trẻ mang hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, trẻ gặp khó khăn trong kiểm soát cơ thể và vận động, ngôn ngữ, giao tiếp, hành vi và tương tác xã hội, điều tiết cảm xúc, thích nghi với môi trường, hợp tác với người lớn và bạn bè...).   

Tin cùng chuyên mục