Bà LÊ TÚ CẨM - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM:
Truyền nghề bằng kiến thức và hiểu biết
Các câu lạc bộ (CLB), nhất là những CLB thuộc các hội chuyên ngành, theo tôi hiện chỉ mới dừng lại là một hình thức hoạt động quần chúng. Đa số hội viên được tập hợp đa phần là người lớn tuổi, không còn đi làm hay phải mưu sinh bằng nghề này. Họ tập hợp lại trước là để vui, đi hát, biểu diễn để thỏa niềm đam mê. Chúng tôi rất mong nhà nước sẽ đóng vai trò “bà đỡ”, có sự dìu dắt cho các CLB này thì sự phát triển mới vững vàng và đi vào chiều sâu, chuyên nghiệp. Ví như có nguồn lực để các nghệ nhân, nghệ sĩ sành nghề tham gia hỗ trợ, nâng cao trình độ, tìm ra những tài năng trẻ để bổ sung đội ngũ làm nghề chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, hiện cũng có một tín hiệu đáng mừng khi công tác truyền nghề trong các lĩnh vực nghệ thuật dân gian đã có những thay đổi tích cực. Trước đây, ở các lĩnh vực khác đi tìm những người có trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ rất dễ nhưng lĩnh vực nghệ thuật khó hơn. Lý do là bởi với nhiều người, chỉ cần có thanh, có sắc là đủ và ít ai quan tâm đến chuyện bằng cấp, học thuật. Tuy nhiên, sau này tại Nhạc viện TPHCM những nghệ sĩ như NSƯT Huỳnh Khải, TS-NSƯT Hải Phượng... và một lớp nghệ sĩ sau này đã rất chú tâm việc này. Họ cho rằng yêu nghề nhưng phải làm sao truyền nghề lại. Ở đây truyền nghề không chỉ bằng kinh nghiệm mà phải bằng kiến thức, sự hiểu biết.
TS MAI MỸ DUYÊN - Nhà nghiên cứu đờn ca tài tử:
Phải giúp các nghệ nhân vững lòng tin
Sở dĩ các loại hình nghệ thuật truyền thống dân tộc tồn tại đến ngày nay là do công lao truyền dạy, sáng tạo và phổ biến của các thế hệ nghệ nhân. Qua thực hành truyền dạy mà những ngón đờn sáng tạo, những giọng ca độc đáo, điêu luyện, xúc động lòng người đã được trao truyền cho đời sau.
Để đờn ca tài tử luôn có sức sống mạnh mẽ, rất cần có những chính sách hợp lý của mỗi địa phương trong việc đối đãi với đội ngũ nghệ nhân. Điều đó sẽ tác động lớn đến nhận thức, trách nhiệm và chất lượng trong truyền dạy. Giúp các nghệ nhân vững lòng tin, coi việc trao truyền giá trị di sản vừa là thiên chức, vừa là trách nhiệm vì họ đang sở hữu trí tuệ và tài năng của cộng đồng. Đó cũng là cách làm hữu hiệu để những truyền thống văn hóa quý báu không bị mai một, đứt đoạn. Nếu có sự cải tiến cung cách quản lý di sản văn hóa phi vật thể và chế độ đãi ngộ nghệ nhân ở các địa phương, các giá trị văn hóa nghệ thuật cổ truyền của Việt Nam nói chung, đờn ca tài tử Nam bộ nói riêng sẽ tồn tại và phát triển bền vững trên hành trình đi đến tương lai của dân tộc, quốc gia.
NSƯT HUỲNH KHẢI - Nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TPHCM:
Cần bồi dưỡng đội ngũ kế thừa
Hiện nay, không khí đào tạo, sinh hoạt đờn ca tài tử khá sôi động nhưng việc tập luyện, đào tạo vẫn còn theo lối mòn. Trong các cuộc sinh hoạt thường chỉ tập các bài đã bị cắt giảm, ví dụ bài Nam xuân có 68 câu, nhưng chỉ diễn 8 câu đầu, còn lại 60 câu không giới thiệu; Xàng xê có 64 câu, thường diễn ca có 8 hoặc 20 câu đầu... Do đó, khi sinh hoạt đờn ca tài tử cần tạo thêm điều kiện để nghệ nhân, tài tử được tập luyện thêm các đoản khúc, khúc thức hoặc những bài bản hiếm, tránh để những đoạn nhạc hay, chưa được phổ biến dần mai một.
Bên cạnh đó, hiện việc tìm kiếm tài năng vượt trội cũng chưa được chú ý nhiều. Theo tôi, trong quá trình sinh hoạt đờn ca tài tử, nếu phát hiện các em nhỏ có năng khiếu, các đơn vị văn hóa phải có trách nhiệm tập hợp, tạo điều kiện để nâng cao kiến thức đờn, ca, mời nghệ nhân giỏi về dạy cho các em, từ đó giúp có thêm đội ngũ nghệ nhân giỏi để kế thừa.
Nghệ sĩ NGUYỄN LINH TRÚC LAI:
Nên mở các lớp dạy miễn phí dân ca 3 miền
Muốn nhân rộng, lan tỏa các loại hình nghệ thuật di sản phải có sân khấu biểu diễn, có CLB. Như với bài chòi, nghệ sĩ chúng tôi luôn mong muốn có sự phát triển mạnh mẽ, nhân rộng để mọi người biết đến hát bài chòi nhiều hơn. Thực sự, cần những tổ chức bài bản để công chúng hiểu về nguồn gốc xuất xứ, hiểu tầm quan trọng của âm nhạc dân tộc. Nếu như không tiếp tục quảng bá, phát triển, đến một ngày nào đó các làn điệu sẽ mai một, mất đi. Các cô chú nghệ nhân ngày một lớn tuổi, trong khi các bạn trẻ không mặn mà thì sẽ mất dần đi tinh hoa.
Tôi cũng cho rằng cần sự đẩy mạnh kết hợp các đơn vị, kết nối của các tỉnh, thành mở các lớp học, khóa học. Ở TPHCM, Trung tâm Văn hóa thành phố hay các trung tâm văn hóa quận, huyện, Nhà Văn hóa Sinh viên TPHCM, Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM… có thể nghiên cứu mở thêm các lớp dạy dân ca 3 miền miễn phí, vừa lan tỏa văn hóa truyền thống đến người trẻ và các nghệ nhân có cơ hội giảng dạy để loại hình này có thể tồn tại, duy trì thường xuyên. Đặc biệt, với các chương trình mang tính giao lưu nghệ thuật lớn của thành phố nên ưu tiên các tiết mục âm nhạc dân tộc.
Theo tôi, Sở Du lịch TPHCM và các công ty du lịch cần quan tâm hơn khi đưa khách du lịch trong và ngoài nước tham quan tour nghe nhạc dân tộc. Điều này cần có sự định hướng từ các nhà quản lý, bởi bảo tồn và phát huy không phải chỉ dựa vào vài người mà cần sự chung tay của toàn xã hội.