Từ “hạt nhân” đến cộng đồng
CLB Quan họ Trúc Xinh hiện đang mở lớp học hát quan họ vào thứ bảy hàng tuần tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM. Ngoài ra, các thành viên trong CLB cũng sử dụng mạng xã hội để quảng bá hoạt động và lan tỏa đến mọi người, kể cả những người chưa biết hát quan họ. “Chỉ cần có người yêu mến quan họ, Trúc Xinh sẵn sàng tận tình truyền dạy. Đó cũng là cách để chúng tôi truyền nghề và thu hút thêm thành viên”, nghệ sĩ Ngọc Quang tâm sự.
Anh cũng cho biết, dấu ấn lớn nhất của CLB Quan họ Trúc Xinh là đã tạo ra mạng lưới CLB quan họ mới, góp phần lan tỏa và khuyến khích nhiều lứa tuổi đến với dân ca quan họ. Điều này có được là nhờ các thành viên nắm vững một số làn điệu, lời cổ đã về các quận, huyện ở TPHCM và các tỉnh lân cận thành lập các CLB quan họ mới, như: Trầu cau quan họ (Bình Thạnh), Quan họ và hát dân ca (Bình Tân), Quan họ quận 2, Quan họ TP Thủ Đức, Bắc Sông Cầu (Tân Bình), Duyên quan họ (Tân Phú), Quan họ Lúng liếng (quận 3), Tình người quan họ (quận 10) của TPHCM; Quan họ Đức Linh (tỉnh Bình Thuận); CLB Đàn và hát dân ca (tỉnh Bình Phước)…
Bản thân nghệ sĩ Ngọc Quang cùng kết hợp với NSND Thúy Hường, NSƯT Thanh Nhàn, giảng viên - nghệ sĩ Thanh Hiếu xuất bản nhiều CD, album về dân ca quan họ; đồng thời tham gia biểu diễn, dạy hát quan họ ở các trường: Trường Đại học Y Dược TPHCM, Trường Cao đẳng Du lịch và Dạy nghề Sài Gòn, Trường Tiểu học Trần Quang Khải (quận 1, TPHCM)…
Trong câu chuyện giữ gìn và lan tỏa các giá trị di sản văn hóa phi vật thể từ các vùng miền tại TPHCM, vai trò của những hạt nhân ban đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sở dĩ CLB Ví giặm Nghệ Tĩnh phía Nam có sự lan tỏa rộng rãi như vậy, không thể không kể đến vai trò đầu tàu của chủ nhiệm CLB là Nghệ nhân Nhân dân (NNND) Nguyễn Hồng Oanh.
Tuy nhiên, vào tháng 2-2024, bà bất ngờ qua đời sau một cơn đột quỵ, để lại nhiều tiếc nuối cho bạn bè, đồng nghiệp, khán giả say mê làn điệu ví giặm trên mọi miền đất nước. Để hành trình lan tỏa ví giặm ở phương Nam không bị đứt gãy, nghệ nhân Hương Lài (tên thật là Hà Thị Thu Lài) đã thay vị trí bà để tiếp nối ngọn lửa đam mê làn điệu ví giặm. “NNND Nguyễn Hồng Oanh mất là một mất mát lớn cho các CLB. Tuy nhiên, bài vở, việc tập luyện không bị gián đoạn vì các thành viên lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng”, nghệ nhân Hương Lài cho biết.
Nghệ nhân Hương Lài hiện còn kiêm Chủ nhiệm CLB Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh TP Thủ Đức. Đều đặn vào thứ năm hàng tuần, các thành viên từ khắp nơi như: Bình Dương, các quận Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp và TP Thủ Đức (TPHCM)… đều thu xếp đến nhà nghệ sĩ Hương Lài trên đường Mai Lão Bạng (phường 13, quận Tân Bình, TPHCM) cùng sinh hoạt và tập luyện. Tổng số thành viên của CLB hiện nay là 30 người.
Mỗi người có một công việc riêng, có người nghỉ hưu, làm bán thời gian, cũng có người là doanh nhân, sinh viên… nhưng tất cả đều gặp nhau ở tình yêu với ví giặm, cũng như mong muốn được lan tỏa di sản của quê nhà đến đông đảo người dân phương Nam. Nghệ nhân Hương Lài cũng tìm cách duy trì lửa đam mê cho các thành viên thông qua các chương trình biểu diễn, bởi như chị chia sẻ, thành lập ra mà không có đất diễn mọi người sẽ bị chán.
“Ở TPHCM, nhiều loại hình di sản đều tụ hội về đây. Đi hát, chúng tôi có một niềm vui, niềm hạnh phúc lớn là khi cất lên những làn điệu ví giặm, khán giả cổ vũ nồng nhiệt, kể cả ở các trường học, học sinh cũng hưởng ứng như vậy. Làn điệu dân ca từ đó đi vào lòng người, đi vào thực tế cuộc sống lao động”, nghệ nhân Hương Lài bày tỏ.
Sôi nổi các hoạt động truyền nghề
Có mặt tại buổi sinh hoạt của CLB Dân ca Tây Bắc (trực thuộc Hội Di sản Văn hóa TPHCM) mới cảm nhận được lòng say mê của các hội viên, cũng như sự khó tính, chỉn chu của những người truyền dạy. Với hàng chục năm theo nghề, từng đứng lớp truyền dạy cho nhiều CLB khác nhau, trước khi vào buổi tập, nghệ nhân Nguyễn Thị Bích Liên giúp đỡ các hội viên chỉnh từng dây đàn để có âm thanh mượt nhất.
Theo bà, vì đàn tính chỉ có 3 dây nên việc làm sao tạo ra những âm thanh trầm bổng, chính xác nhất không đơn giản. Ở mỗi buổi tập, người nghệ nhân phải theo sát từng nốt nhạc để không ai bị lạc nhịp, phần lời ca ngân nga thế nào, cao độ ra sao rồi nhấn nhá, nhả chữ cũng được bà trau chuốt cho từng hội viên. Cũng như thế với phần diễn, mỗi động tác tay, bước chân đều đòi hỏi sự chỉnh sửa, tập đi tập lại nhiều lần, sao cho thật nhuyễn để khi lên sân khấu ăn ý nhất.
Từ khi mở lớp dạy khoảng 10 năm trở lại đây, Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Phương Hậu, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Gia Định, đã đào tạo khoảng 60 người. Nhiều em trẻ mê hát đờn ca tài tử nhưng không có điều kiện theo học, chị nhận đào tạo, giảng dạy miễn phí, với hy vọng, nghệ thuật đờn ca tài tử có thêm những nhân tố mới, tiềm năng, sẽ góp sức giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
NNƯT Minh Đức, phụ trách CLB Đờn ca tài tử Nguyễn Du (Trung tâm Văn hóa - Thể thao quận 1), cho biết, gần 10 năm qua, CLB duy trì thường xuyên các lớp học miễn phí các bài bản tài tử, một số bài vọng cổ, tân cổ giao duyên, dành cho người yêu thích và say mê loại hình nghệ thuật này. Cũng từ công tác đào tạo, truyền nghề được phát huy, CLB có khoảng 70% thành viên kỳ cựu có kỹ thuật ca tài tử vững chắc, một số thành viên đã nỗ lực tập luyện, nâng cao chuyên môn để thử sức mình, tham gia vào các cuộc thi Bông lúa vàng, Chuông vàng vọng cổ…
Trong các lớp học, hội viên CLB sẽ có 5, 6 buổi học tập, rèn giọng, kỹ thuật ca, học thuộc bài bản mới... trước khi tham gia một buổi sinh hoạt. Thạc sĩ - nhạc sĩ Nhứt Dũng, Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử Cung Văn hóa Lao động TPHCM, có hơn 20 năm dạy học, truyền nghề với hơn 40 khóa học, lớp nâng cao. Tại đây, người học rất đa dạng, có trường hợp như chú Lâm Văn Phát, kỹ sư điện tử, ngụ quận Gò Vấp, dù đã 86 tuổi vẫn quyết theo học ca tài tử để có thể hát bài bản, đúng điệu.
Với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, một trong những hình thức phổ biến để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là thông qua hình thức truyền miệng. Nó có nhiều mặt tích cực, nhưng đồng thời cũng dễ xảy ra tình trạng “tam sao thất bản”. Do đó, trong câu chuyện lưu giữ các giá trị của các loại hình di sản này vấn đề truyền nghề đúng, bài bản luôn được ý thức cao. Bà Lê Tú Cẩm, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa TPHCM, nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất của truyền nghề là phải đi đúng chiều sâu, bản chất của nó để khi truyền bá phải đúng ngay từ đầu, bởi việc sửa sai sẽ mất thời gian hơn rất nhiều. Hiện tại, công chúng không chỉ thưởng thức đơn thuần, họ muốn hiểu nó để việc thưởng thức được sâu hơn”.
Còn theo NNƯT Minh Đức, việc chú trọng công tác đào tạo, truyền nghề giúp chất lượng hội viên tham gia CLB là các tài tử ca được nâng cao chất lượng hơn. “Những năm qua, tôi luôn cố gắng tìm kiếm một bạn nam và một bạn nữ, có tài năng, thực lực, nhiệt huyết, đam mê, để tôi truyền nghề, trao lại hết cho các bạn những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm mình có được làm hành trang cho các em vững chắc bước tiếp con đường giảng dạy, biểu diễn…, góp phần gìn giữ, lưu truyền, quảng bá và lan tỏa mạnh mẽ hơn nghệ thuật đờn ca tài tử trong đời sống xã hội mới”, NNƯT Minh Đức chia sẻ.
“Hiện nay, cần thiết phải thẩm định lại giáo viên được mời dạy dân ca truyền thống. Vì nghệ sĩ, nghệ nhân đi ca thì nhiều, nhưng muốn giảng dạy phải có trình độ tối thiểu về sư phạm. Trong đờn ca tài tử, người dạy phải nắm vững lòng bản; còn với cải lương, người dạy vừa phải nắm lòng bản, vừa nắm cả diễn xuất. Trình độ sư phạm là dạy gì trước, dạy gì sau, phải có giáo án, chương trình phù hợp với từng đối tượng, đồng thời đánh giá được chất giọng của người học. Có như vậy, việc duy trì, bảo tồn và phát triển các loại hình nghệ thuật dân tộc mới thật sự có ý nghĩa”, thạc sĩ - nhạc sĩ Nhứt Dũng cho biết.