Kitakyushu là một đơn vị hành chính cấp hạt của Nhật Bản, thuộc tỉnh Fukuoka, trên đảo Kyushu. Đây cũng là một trong 15 thành phố quốc gia của Nhật Bản.
TP Kitakyushu có 210 km bờ biển và 40% diện tích là rừng rậm.
Hoạt động công nghiệp tại Kitakyushu với các lĩnh vực thép, hóa học, cơ khí, gốm sứ… đã phát triển từ rất sớm. Nhà máy thép quốc doanh đầu tiên của Nhật Bản đặt tại Kitakyushu hoàn thành từ năm 1901.
Vào những năm 1950, những ống khói ở Kitakyushu như một rừng cây, dẫn đến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Vùng biển ở Kitakyushu trở thành biển chết, thậm chí vi khuẩn E.coli cũng không sống nổi. Chân vịt các con tàu neo đậu tại vùng biển này cũng bị mục nát.
Những năm 1960, công cuộc phục hồi môi trường ở đây được bắt đầu. Một loạt các hoạt động được thúc đẩy nhằm khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường. Trong đó, người dân - doanh nghiệp - chính quyền đã hợp thành một thể thống nhất thúc đẩy các hoạt động phòng chống ô nhiễm.
Một trong những biện pháp cụ thể của chính quyền là xây dựng hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải và đẩy mạnh giám sát các hoạt động gây ô nhiễm môi trường.
Với nhiều biện pháp cải thiện môi trường hiệu quả, Kitakyushu đã chuyển từ TP xám sang TP xanh, được giới chuyên môn quốc tế khâm phục và đánh giá cao.
Theo đó, những năm 1990, Kitakyushu được thế giới chú ý khi TP hoàn thành cải thiện môi trường, được Liên Hợp Quốc nêu danh và đánh giá cao.
Hiện nay, Kitakyushu là TP xanh, sạch, đẹp, nổi tiếng với công nghệ bảo vệ môi trường. Kitakyushu vẫn đang tiếp tục phấn đấu là TP môi trường và công nghệ, phát triển bền vững, trở thành trung tâm công nghệ của châu Á.
Tại buổi làm việc tại trung tâm lọc nước Nikki vào sáng 23-3, đại diện Cục cấp thoát nước TP Kitakyushu nhấn mạnh, một trong những giải pháp giúp chuyển Kitakyushu từ TP xám sang TP xanh là nhờ việc xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước thải.
Công nghệ mà TP Kitakyushu đang sử dụng là công nghệ lọc sinh học tiếp xúc dòng chảy ngược U-BCF. Công nghệ này xử lý nước bằng vi sinh, không dùng hóa chất, có ưu điểm chi phí thấp nhưng hiệu quả cao.
Ngoài ra, TP Kitakyushu còn triển khai chương trình “TP sinh thái” (Eco-town) với mục đích là thiết lập một xã hội tái chế tài nguyên. Tất cả rác thải được tái sử dụng làm nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp khác và nhằm mục đích giảm chất thải hoàn toàn.
TP Kitakyushu cũng có nhiều câu chuyện thành công về việc quản lý nguồn nước và chống ngập như việc cải tạo sông Murasaki của “dự án cải tạo dòng sông của tôi, TP của tôi” (My town, My river Renovation Project).
Chiều cùng ngày, đoàn đại biểu cấp cao TPHCM đã làm việc với ông Kenji Kitahashi, Thị trưởng TP Kitakyushu.
Tại buổi làm việc, ông Kenji Kitahashi cho biết, TP Kitakyushu đã thực hiện nhiều biện pháp cải thiện môi trường hiệu quả, Từ đó, Kitakyushu chuyển mình từ TP xám sang TP xanh. Từ thực tiễn này, ông Kenji Kitahashi khẳng định sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển xanh đối với các TP khác.
Đối với TPHCM, ông Kenji Kitahashi bày tỏ mong muốn hợp tác, áp dụng công nghệ xử lý nước theo công nghệ sinh học tiếp xúc dòng chảy ngược (U-BCF) đang được áp dụng thí điểm tại Nhà máy nước Tân Hiệp. Đây là công nghệ xử lý nước tiên tiến bằng vi sinh không dùng hóa chất đang được sử dụng tại TP Kitakyushu.
Ông Kenji Kitahashi cũng mong muốn mối quan hệ giữa TPHCM và TP Kitakyushu ngày càng phát triển.
Đáp lại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ vui mừng nhận thấy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay.
Riêng với TPHCM, từ đầu năm 2018 đến nay, TPHCM cũng vui mừng đón tiếp nhiều đoàn Nhật Bản đến thăm và làm việc. Trong đó có đoàn doanh nghiệp của TP Kitakyushu đến và tìm hiểu môi trường đầu tư và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất và chăm sóc công viên, mảng xanh. Đoàn có buổi làm việc với Sở GTVT.
Ngoài ra, hiện nay Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đang hợp tác với Cục Cấp thoát nước Kitakyushu để nghiên cứu thí điểm công nghệ lọc sinh học tiếp xúc dòng chảy ngược U-BCF.
Hai bên đã ký bản ghi nhớ về nghiên cứu chuẩn bị khảo sát các điều kiện cơ bản để triển khai đầu tư công nghệ U-BCF tại Nhà máy nước Tân Hiệp.
Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến nhận xét việc triển khai nghiên cứu chuẩn bị này sẽ giúp 2 bên đưa ra các đề xuất, thiết kế sử dụng công nghệ U-BCF phù hợp với tình hình hiện tại.
Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cũng hy vọng ông Kenji Kitahashi, Thị trưởng TP Kitakyushu, tiếp tục quan tâm đến việc triển khai dự án này của 2 bên. Đồng thời hy vọng chính quyền TP Kitakyushu thiết lập quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa 2 TP để tạo nền tảng cho sự hợp tác giữa 2 bên trên các lĩnh vực khác, trong đó có việc xem xét, thống nhất mở đường bay trực tiếp giữa TPHCM và TP Kitakyushu để phát triển du lịch.