Qua khảo sát, nhiều chung cư không đảm bảo các điều kiện cho việc tiếp cận, lấy nước chữa cháy, giải pháp ngăn cháy, lối thoát nạn, hệ thống kỹ thuật PCCC xuống cấp, hư hỏng, mất tác dụng... Ở các chung cư này hình thành những nguy cơ về cháy, nổ và tai nạn, sự cố mà từ đó có thể gây ra những thiệt hại lớn về người và tài sản.
Thượng tá Nguyễn Thanh Hưởng dẫn chứng về những chung cư còn chủ quan, tránh né, chậm thực hiện các kiến nghị khắc phục về an toàn PCCC của cảnh sát PCCC vì sợ tốn kém. Đây là nguyên nhân dẫn đến vi phạm về an toàn PCCC.
Những nguyên nhân dẫn đến cháy lớn gây hậu quả thiệt hại nghiêm trọng chủ yếu ở các chung cư, nhà cao tầng cũng được phân tích rõ. Đó là vì chủ đầu tư không thực hiện đầy đủ trách nhiệm PCCC, không tổ chức thực hiện nghiêm các điều kiện an toàn PCCC. Việc phát hiện cháy không kịp thời, thông tin báo cháy chậm. Lực lượng PCCC tại chỗ hoạt động kém hiệu quả.
Mặc khác, công tác tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về PCCC còn hạn chế. Cư dân chưa tích cực tham gia thường xuyên các buổi tuyên truyền, hướng dẫn về công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Đặc biệt, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trong việc đảm bảo an toàn về PCCC còn nhiều bất cập. Việc chỉ đạo khắc phục những vi phạm có nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy và xử lý hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC trong chung cư, nhà cao tầng chưa kiên quyết.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cũng nhận định hiện nay vẫn còn nhiều chung cư chưa đảm bảo an toàn PCCC. Hệ thống báo cháy không đảm bảo tiêu chuẩn, thường xuyên xảy ra báo cháy giả khiến người dân bị lờn, xem thường. Thậm chí cư dân còn yêu cầu tắt chuông báo cháy để khỏi bị làm phiền.
“Đây là điều rất nguy hiểm”, ông Lê Hoàng Châu lưu ý và nhấn mạnh đến nhiều chung cư cao tầng còn nằm “sâu trong hẻm”, không đảm bảo cho các xe thang vào cứu người khi xảy ra chữa cháy.
Đặc biệt, ông Lê Hoàng Châu cũng kiến nghị cảnh sát PCCC cần quan tâm hơn nữa trong công tác kiểm tra, giám sát đến an toàn cháy nổ cũng như thực hiện các biện pháp PCCC tại các chung cư. Bởi hiện nay, nhiều nơi, việc kiểm tra được thực hiện rất qua loa.
Đánh giá chung về tình hình cháy nổ trên địa bàn TPHCM, Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan, nhận định tình hình cháy, nổ trên địa bàn TPHCM diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng các vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng Trần Trọng Tuấn, nhận xét vụ cháy chung cư Carina Plaza đã thức tỉnh đối với chủ đầu tư về công tác PCCC. Qua sự việc này, ý thức trách nhiệm của cư dân đối với an toàn PCCC ở chung cư được nâng cao.
Để nâng cao an toàn đối với người dân ở chung cư, nhà cao tầng, ông Trần Trọng Tuấn, đề nghị phải quan tâm hơn về việc huấn luyện, hướng dẫn các biện pháp thoát hiểm cho cư dân. Ngoài ra, cần bổ sung, có quy định bắt buộc chung cư, nhà cao tầng phải có 2 thang thoát hiểm. Đặc biệt là phải có thang thoát hiểm ngoài trời. Đây cũng là điều bình thường, bởi các đô thị trên thế giới, cầu thang thoát hiểm đều nằm ngoài trời.
Góp ý thêm về nguy cơ cháy nổ hiện nay, Đại tá Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM, nhận xét nguy cơ cháy nổ không rình rập mọi nơi, trong đó những khu vực công cộng.
“Tôi lo ngại nhất là các vũ trường, quán bar, nhà hàng, karaoke, hát cho nhau nghe”, Đại tá Trần Đức Tài nêu quan ngại và nhận xét đây là ngành nghề dịch vụ nhạy cảm. Những nơi này không gian rất nhỏ nhưng chứa một lượng người lớn, hút thuốc, hút shisha… Một khi xảy ra cháy nổ thì các vật liệu cách âm cháy, khói sẽ là nguy cơ lớn dẫn đến cháy nổ, gây chết ngạt. Thế nhưng quy định hiện hành tạo kẻ hở cho đơn vị vi pham lập doanh nghiệp mới (sau khi bị xử phạt) rồi tiếp tục hoạt động. Do đó, quy định hiện nay cần được bổ sung, sửa đổi để khắc phục bất cập này, nếu không khi xảy ra cháy thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng.
Cưỡng chế chủ chung cư chậm khắc phục nguy cơ cháy nổ
Tại hội nghị, Chánh Văn phòng UBND TPHCM Võ Văn Hoan giới thiệu toàn văn nội dung chỉ thị về các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC đối với chung cư, nhà cao tầng. Chỉ thị yêu cầu cảnh sát PCCC TPHCM tăng cường công tác quản lý về PCCCC. Thường xuyên thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định về PCCCC tại các chung cư, nhà cao tầng để kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục các sai phạm, thiếu sót và xử lý nghiêm các vi phạm.
Đối với nhà chung cư cao tầng chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa dân vào sinh sống phải tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các yêu cầu về PCCC, những cam kết của chủ đầu tư để nghiệm thu. Việc kiểm tra khắc phục các vi phạm về PCCC phải thực hiện 15 ngày/lần. Nếu xử phạt mà chủ đầu tư vẫn không khắc phục thì đề xuất chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế.
Cảnh sát PCCC cũng phải hướng dẫn chủ đầu tư chung cư, nhà cao tầng thường xuyên tự kiểm tra an toàn PCCCC. Thường xuyên tổ chức thực tập phương án PCCC và cứu nạn, cứu hộ, giả định các tình huống cháy, nổ để chủ động trong việc PCCC.
Cảnh sát PCCC phải tham mưu, đề xuất UBND TP bổ sung tiêu chuẩn, quy chuẩn về xây dựng và PCCC, như bố trí tầng lánh nạn đối với chung cư trên 10 tầng, bãi đỗ trực thăng đối với công trình từ 20 tầng trở lên...
Ngoài ra, chỉ thị yêu cầu cảnh sát PCCC lập danh sách chung cư, nhà cao tầng có nguy cơ xảy ra cháy lớn, hậu quả thiệt hại nghiêm trọng để tập trung quản lý hiệu quả. Công bố công khai danh sách các chung cư an toàn, chung cư chưa an toàn cho UBND quận - huyện, phường - xã - thị trấn, cư dân để phối hợp giám sát. Trường hợp cần thiết thì thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chỉ thị cũng giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp rà soát quy định, tham mưu đề xuất kiến nghị Trung ương bổ sung hình thức chế tài, nâng mức phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với chủ đầu tư cho sử dụng chung cư khi chưa được nghiệm thu về PCCC, hoàn công về xây dựng.
Ngoài ra, Sở Tư pháp nghiên cứu tham mưu xây dựng quy trình, thủ tục cưỡng chế các trường hợp cố tình vi phạm kéo dài về PCCC. Nếu thấy cần thiết thì báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện biện pháp chế tài ở mức cao hơn theo cơ chế đặc thù tại TPHCM.