Quan tâm đến công tác đào tạo nghề, đại biểu Tăng Hữu Phong, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM đề nghị UBND TPHCM đánh giá chất lượng của các trường nghề công lập so với các trường ngoài công lập, cũng như các giải pháp phát huy cơ sở vật chất các trường nghề do nhà nước đầu tư, quản lý.
Trao đổi lại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Thị Diệu Thúy cho biết, công tác đào tạo nghề trên địa bàn được UBND TPHCM quan tâm trong thời gian qua. Dù vậy, cạnh tranh giữa các trường nghề công lập và ngoài công lập hiện nay rất lớn. Để nâng chất các trường nghề, UBND TPHCM dành nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường này. Bên cạnh đó, triển khai các đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nâng cao nguồn lực giáo viên đứng lớp…
Kết luận buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác quản lý nhà nước về lao động và việc làm trong thời gian qua. Các chỉ tiêu về lao động và việc làm, về công tác an toàn vệ sinh lao động, giảm nghèo bền vững tại TPHCM đã đạt được một số kết quả tích cực, hướng đến hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM đề ra. Đó là tạo việc làm mới hàng năm đạt chỉ tiêu 140.000 lao động. Tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%; 9 quận, huyện hiện nay không còn hộ nghèo, dự kiến cuối năm nay thêm 5 quận, huyện không còn hộ nghèo…
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM tiếp tục có các giải pháp thực hiện có hiệu quả, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM, cũng như các chỉ tiêu nghị quyết của HĐND TPHCM đảm bảo đúng thực chất. Đồng thời, rà soát các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, để kịp thời điều chỉnh, bổ sung sau khi TPHCM điều chỉnh tiêu chí hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình.
Bên cạnh đó, hoàn thiện công tác quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quan tâm công tác kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, tăng cường hợp tác với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài có uy tín trong việc tiếp nhận, chuyển giao chương trình, giáo trình, học liệu, phương pháp giảng dạy và học tập.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị UBND TPHCM quan tâm xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung của thành phố nhằm quản lý số liệu về doanh nghiệp, lao động, trình độ, nghề nghiệp; xây dựng hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực hiệu quả. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các chương trình, chính sách cải thiện, nâng cao năng suất lao động, nhất là đối với các nhóm ngành ưu tiên, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao của thành phố.
Từ năm 2020 đến nay, TPHCM thực hiện chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đầu tư phát triển cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật dạy học... đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Từ năm 2020 đến tháng 6-2024 có 10.178 người mất việc làm được hỗ trợ học 50 ngành nghề, như lái xe B2, ngành thẩm mỹ, làm đẹp, dịch vụ, kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật nấu ăn..., với số tiền 37,428 tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến tháng 6-2024, các thành phần kinh tế đã tạo việc làm mới cho 497.774 lao động, trung bình mỗi năm có trên 141.000 lao động được tạo việc làm mới.
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2021 là 4,29%, năm 2022 là 3,97% và đến năm 2023 giảm còn 3,9%. So với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM, số việc làm mới đạt 71,11%, dự kiến đến năm 2025 đạt 100% chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ thất nghiệp đô thị phấn đấu duy trì đến cuối năm 2025 kéo giảm dưới 4%.