TPHCM tập trung giải quyết mối quan hệ hài hoà giữa doanh nghiệp và người lao động

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, trong 4 năm thực hiện Chỉ thị 37, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TPHCM có chuyển biến tích cực, quy mô về số vụ, số lượt người tham gia tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp lao động cá nhân giảm đều qua các năm.

Ngày 22-8, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Đỗ Ngọc An, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thành ủy TPHCM để khảo sát tình hình thực hiện Chỉ thị 37 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới tại TPHCM.

Tiếp đoàn có các đồng chí: Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM.

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Tình hình tranh chấp lao động giảm đều qua các năm

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, trong 4 năm thực hiện Chỉ thị 37, tình hình quan hệ lao động trên địa bàn TPHCM có chuyển biến tích cực, quy mô về số vụ, số lượt người tham gia tranh chấp lao động tập thể, tranh chấp lao động cá nhân giảm đều qua các năm. Tính chất các vụ tranh chấp lao động tập thể đã ôn hoà hơn, thời gian tranh chấp giảm, số vụ tranh chấp lao động xuất phát từ quan hệ lao động có tính chất lây lan giảm.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức báo cáo với đoàn công tác về tình hình thực hiện Chỉ thị 37 của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức báo cáo với đoàn công tác về tình hình thực hiện Chỉ thị 37 của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Song song đó, UBND TPHCM đã triển khai thực hiện “Đề án phát triển quan hệ lao động giai đoạn 2014 - 2020”, đã tạo nên hiệu ứng tích cực, tổng hợp, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để cùng tham gia giải quyết các vấn đề về xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Qua đó đã góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và từng bước nâng cao hiệu quả công tác chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho công nhân, người lao động, giúp người lao động an tâm, gắn bó và chia sẻ với doanh nghiệp những lúc khó khăn, phát huy nhiều cải tiến, sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp.

Dù vậy, theo đồng chí Dương Anh Đức, các giải pháp tác động vào quan hệ lao động bước đầu giảm dần tính hành chính, tăng cường những giải pháp mang tính hỗ trợ của Nhà nước nhưng chưa đáp ứng theo yêu cầu của các bên trong quan hệ lao động. Việc thực hiện chế độ chính sách cho người lao động của các doanh nghiệp chưa được quan tâm kịp thời. Vẫn còn một số doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, chưa đảm bảo các quy định về trả lương, trả thưởng, tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động…

Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của TPHCM hiện đạt 4,62 triệu người. Theo Cục Thống kê TPHCM, hiện tổng số doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn TPHCM là 248.891 đơn vị với số lao động làm việc là hơn 2,8 triệu người.

Sau khi nghe báo cáo về tình hình thực hiện Chỉ thị 13 tại TPHCM, các thành viên đoàn công tác đã đề cập đến nhiều giải pháp TPHCM cần đẩy mạnh thực hiện nhằm thực hiện tốt hơn nữa chỉ thị trên. Trong đó, cần tập trung phát triển Đảng trong doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước; phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức công đoàn trong tham gia chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.

Đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu ý kiến. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại diện lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu ý kiến. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cũng theo các đại biểu, lực lượng làm việc ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tuy chỉ chiếm hơn 6,9% tổng lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của TPHCM, song đây là lực lượng đáng quan tâm nhất của Chỉ thị 37, đòi hỏi TPHCM phải có nhiều giải pháp quan tâm để ổn định được lực lượng này. Bên cạnh đó, phải có tiện ích về xã hội đối với những khu công nghiệp lớn để đảm bảo điều kiện cuộc sống của người lao động.

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải khẳng định, TPHCM luôn cố gắng để làm tốt nhất có thể sứ mệnh phát triển kinh tế để góp phần chung phát triển đất nước. Bên cạnh chăm lo cho người lao động, TPHCM cũng xác định chăm lo cho doanh nghiệp phát triển, tạo việc làm cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải thông tin, TPHCM sẽ tiếp tục tập trung phục hồi phát triển kinh tế, nhất là trong bối cảnh thành phố có nhiều chính sách mới trên cơ sở Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Song song đó, TPHCM sẽ tập trung hơn trong giải quyết mối quan hệ hài hoà giữa doanh nghiệp và người lao động gắn với đặc thù từng khu vực.

Kết luận buổi làm việc, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An đánh giá cao nỗ lực của TPHCM trong thực hiện Chỉ thị 37 với nhiều điểm mới như: thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng, tổ chức chính trị – xã hội và quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM; mô hình tổ công nhân tại các khu nhà trọ… Đặc biệt, TPHCM có chính sách riêng rất tiến bộ cho người lao động như xây dựng nhà ở và các thiết chế văn hoá cho người lao động

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đỗ Ngọc An phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng chí Đỗ Ngọc An mong muốn TPHCM tập trung nâng cao chất lượng chính trị trong các tổ chức công đoàn. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền để nâng cao nhận thức, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quan hệ lao động; thúc đẩy các hoạt động đối thoại, thương lượng tập thể theo hướng nâng cao tính thực chất trong xác lập điều kiện lao động.

Lo ngại doanh nghiệp thành lập tổ chức đại diện

Trao đổi thêm tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động (LĐLĐ) TPHCM Phạm Chí Tâm cho biết, qua nắm tình hình, có dư luận cho rằng một số doanh nghiệp có tính chất gia đình đang chờ các quy định cụ thể để thành lập tổ chức đại diện, thậm chí có doanh nghiệp đã có ý định xúc tiến thành lập tổ chức đại diện. LĐLĐ TPHCM đã kịp thời nắm và tổ chức tuyên truyền, vận động để người lao động hiểu.

Tuy nhiên, số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách rất ít, khoảng 400 người, trung bình một cán bộ phải phụ trách gần 50 công đoàn cơ sở; trung bình 2,5 cán bộ phụ trách 10.000 đoàn viên. “Đây là thách thức rất lớn khi có tổ chức đại diện khác được thành lập ở doanh nghiệp”, ông Phạm Chí Tâm băn khoăn và đề xuất các cơ quan chức năng nghiên cứu các loại hình lao động và quan hệ lao động mới để tính toán quy định nhằm điều chỉnh phù hợp.

Trong giai đoạn mới, TPHCM tiếp tục quán triệt sâu rộng các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, Thành ủy TPHCM lãnh đạo Ban cán sự Đảng UBND TPHCM chỉ đạo UBND TPHCM về tăng cường xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Xác định nhiệm vụ định kỳ có trọng tâm, trọng điểm, chiều sâu gắn liền với Chương trình công tác năm của Ban Chỉ đạo xây dựng Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội và quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tin cùng chuyên mục