TPHCM tập trung các nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng

Chiều 1-10, UBND TPHCM tổ chức phiên họp về tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2024, nhằm xác định các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để hoàn thành nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2024.

Dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM…

8.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Sẽ xử lý cán bộ không dám làm

Phát biểu chỉ đạo, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, trong bối cảnh tác động từ bên ngoài không thuận lợi, diễn biến phức tạp, khó lường, TPHCM đã đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng, quyết tâm nỗ lực phấn đấu để thực hiện các chỉ tiêu đề ra.

Trong đó, TPHCM bám sát các vụ việc, vụ án còn tồn đọng trên địa bàn, xử lý theo tiến độ kế hoạch, không chậm trễ, đảm bảo chặt chẽ, đúng chỉ đạo.

Qua các nhiệm vụ này cũng nổi lên công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát kịp thời phát hiện, uốn nắn những vấn đề triển khai chưa đến nơi đến chốn.

7.jpg
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên phát biểu chỉ đạo. Ảnh: VIỆT DŨNG

Bí thư Thành ủy TPHCM biểu dương kết quả kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, nhưng cũng nhận xét có những ngành, người đứng đầu chưa làm tròn trách nhiệm cần tự xem xét lại để cố gắng. Trong đó, có nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

Bí thư Thành ủy TPHCM yêu cầu tập trung, nỗ lực giải ngân vốn đầu tư công trong 3 tháng cuối năm để tạo tiền đề dẫn dắt kinh tế phát triển.

Đồng chí khẳng định, lãnh đạo TPHCM luôn bên cạnh để lắng nghe, giải quyết, cùng người đứng đầu các sở, ban, ngành, địa phương nỗ lực vì sự phát triển của TPHCM. Thành phố cũng sẽ có biện pháp xử lý với cán bộ có biểu hiện không dám làm.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi thông tin thêm, kết quả kinh tế - xã hội quý 3 tiếp đà phục hồi, phát triển nhưng chưa có đột phá. Trong khi, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng của năm, làm tiền đề cho năm 2025 và cả nhiệm kỳ thì cần phải có sự đột phá.

Bên cạnh đó, còn có những hạn chế, chỉ số giảm như thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI), đặc biệt giải ngân vốn đầu tư công mới đạt khoảng 20%... Ngoài ra, công việc tồn đọng còn khá lớn, một số nội dung thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội triển khai còn chậm.

5.jpg
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi kết luận phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Một nguyên nhân quan trọng là công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương còn chưa thông suốt. Vì vậy, cơ quan, đơn vị, địa phương, từng người đứng đầu phải rà soát, nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của cơ quan và phối hợp để hệ thống hành chính hiệu quả hơn. Từng sở, ngành, địa phương, từng người đứng đầu phải chọn trọng tâm để thực hiện.

Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu tập trung giải quyết các nhiệm vụ tồn đọng, như quyết liệt đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc, nhất là đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, công tác cải cách hành chính...

Doanh nghiệp có đơn hàng đến cuối năm

Các báo cáo tại phiên họp cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội TPHCM tháng 9 tiếp tục có nhiều chuyển biến tốt.

Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, với các giải pháp quyết liệt, trong quý 3-2024, nhiều dự án hoàn thành góp phần giảm áp lực giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế, như tỷ lệ giải ngân đầu tư công còn thấp. Nhiều công trình cấp bách, trọng điểm chưa đạt được tiến độ.

z5885586539712_22d8b5863e581e435ca4b59ef1b67282.jpg
Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Phân tích thêm, ông Nguyễn Khắc Hoàng, Cục trưởng Cục Thống kê TPHCM nêu những điểm sáng, như sản xuất công nghiệp tăng tích cực, chỉ số tiêu thụ tăng 9,7%, tồn kho giảm 17,7% so với cùng kỳ, phản ánh nhu cầu thị trường đang tăng lên. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2024, thậm chí hết quý 1-2025. Xuất khẩu cũng có tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, chi phí đầu vào cũng đang tăng nhanh, vai trò của 4 ngành công nghiệp trọng điểm cũng chưa rõ nét khi trong 9 tháng chỉ tăng 4,7% (trong đó ngành cơ khí còn tăng trưởng âm).

Đặc biệt, giải ngân chậm cũng đang ảnh hưởng lớn đến ngành xây dựng và các ngành khác, giảm vai trò vốn mồi thu hút đầu tư ngoài Nhà nước...

viber_image_2024-10-01_18-15-58-238.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIỆT DŨNG

Thông tin về đơn hàng của doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TPHCM (HUBA) cho hay, đây là tín hiệu đáng mừng. Nhưng đơn hàng chủ yếu vẫn đến từ khối FDI, còn khối doanh nghiệp thuần Việt vẫn đang “chạy từng bữa”.

Doanh nghiệp rất kỳ vọng Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) có thể trở thành nơi hội tụ cung – cầu, cung cấp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa các giải pháp vừa tầm để chuyển đổi số thành công.

Về chương trình của TPHCM hỗ trợ lãi suất, theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, đến nay, Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TPHCM (HFIC) đã thẩm định hơn 10 dự án ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội TPHCM, với tổng lượng vốn vay gần 300 tỷ đồng.

Các ngân hàng cũng có nhiều chính sách tín dụng nhằm khơi thông nguồn lực về vốn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, nguồn lực đất đai vẫn còn đang ách tắc cần được khơi thông. Theo cách làm hiện nay phải chờ thống nhất ý kiến nhiều sở, ngành, khiến quá trình xử lý bị chậm đi.

Tin cùng chuyên mục