Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, Giám đốc Sở LĐTB-XH Lê Minh Tấn cho biết, hoạt động này nhằm đảm bảo an ninh trật tự và mỹ quan đô thị trước, trong và sau dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), kỷ niệm 2 ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4) và Quốc tế Lao động (1-5).
* PHÓNG VIÊN: TPHCM đã nhiều năm tập trung người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng, song đến nay, người xin ăn vẫn xuất hiện nhiều. Trong đợt này, có biện pháp nào khả thi hơn, thưa ông?
- Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Tập trung người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng không phải là công việc một sớm một chiều, nói nay xong mai, mà luôn đòi hỏi phải làm thường xuyên, liên tục. Việc giải quyết tình trạng người xin ăn, sinh sống nơi công cộng là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm an ninh trật tự và mỹ quan đô thị, nhất là trước, trong và sau các dịp lễ, tết.
- Ông LÊ MINH TẤN, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM: Tập trung người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng không phải là công việc một sớm một chiều, nói nay xong mai, mà luôn đòi hỏi phải làm thường xuyên, liên tục. Việc giải quyết tình trạng người xin ăn, sinh sống nơi công cộng là một trong các nhiệm vụ quan trọng nhằm bảo đảm an ninh trật tự và mỹ quan đô thị, nhất là trước, trong và sau các dịp lễ, tết.
Trong đợt này, TP tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng xin ăn tại khu vực trung tâm TP, các điểm thường tập trung đông người như các giao lộ lớn, khu vui chơi giải trí, đình, chùa, nhà thờ, bến phà, quán ăn… Các địa điểm người dân thường phản ánh có người đi xin dưới bất kỳ hình thức nào như đàn hát để xin, giả danh nhà sư đi khất thực, hoặc đi xin nhưng có tính đối phó khi kiểm tra như bán vé số, bánh kẹo…, cán bộ cũng ngay lập tức xuất hiện để giải quyết tình trạng.
Đồng thời, chúng tôi tập trung làm tốt việc xác minh nơi cư trú và giải quyết hồi gia đối với đối tượng xin ăn.
* Khi phát hiện người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng, người dân có thể phản ánh, gọi cán bộ đến xử lý qua các kênh như thế nào? Người dân cũng phản ánh, không ít trường hợp thấy người xin ăn nhưng gọi hoài vẫn không thấy cán bộ xuất hiện?
- Các quận, huyện thông tin số điện thoại đường dây nóng của địa phương đến người dân bằng nhiều hình thức (băng rôn, phướn, tờ rơi, tờ bướm, thông tin khi họp tổ dân phố)… Khi phát hiện người lang thang xin ăn, nhất là các trường hợp lợi dụng, chăn dắt trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật ăn xin để trục lợi, người dân có thể báo tới các số điện thoại đường dây nóng của địa phương. Hoặc người dân trực tiếp kết nối về đường dây nóng tiếp nhận thông tin về người xin ăn, sinh sống nơi công cộng của Sở LĐTB-XH TPHCM theo số (028)38.292.491 (giờ hành chính); hay số 0918.115.151 (ông Võ Minh Hoàng, Phó Trưởng phòng Bảo trợ xã hội), Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (028)35.533.258 (đều hoạt động 24/24 giờ). Các đơn vị liên quan của sở, của các địa phương đều túc trực 24/24 giờ để đảm bảo việc tập trung người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng được thực hiện tức thời, dù ban ngày hay ban đêm.
Nhân đây, tôi cũng chia sẻ mong muốn người dân không cho tiền trực tiếp các đối tượng xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên đường phố. Ai có tấm lòng thơm thảo, xót thương tha nhân, muốn giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, nên giúp đỡ, hỗ trợ, đóng góp thông qua các đoàn thể chính trị xã hội, các tổ chức từ thiện xã hội TP.
Cán bộ Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM (bìa phải) hướng dẫn học viên thắt đồ chơi từ lá
* Người lang thang xin ăn sau khi được phát hiện sẽ được tập trung, quản lý, chăm sóc ra sao? Nhiều người lang thang xin ăn thậm chí có cả một khoản tiền lớn trong người, số tiền đó sẽ được xử lý thế nào?
- Khi phát hiện người lang thang xin ăn, quận, huyện thực hiện tập trung đối tượng và xác minh nơi cư trú. Nếu có địa chỉ thường trú, tạm trú thì giải quyết hồi gia, hội nhập cộng đồng; nếu không có thì đưa đến các đơn vị tiếp nhận ban đầu là Trung tâm Hỗ trợ xã hội, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức (đối với người khuyết tật về thần kinh, tâm thần). Thời gian tiếp nhận ban đầu tối đa 30 ngày.
Sau 30 ngày, nếu vẫn không có gia đình bảo lãnh hồi gia, người lang thang xin ăn được chuyển tới các trung tâm bảo trợ xã hội, tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng không quá 90 ngày. Sau khi hết thời hạn trên nhưng các đối tượng không có điều kiện sống tại gia đình, mà có nhu cầu sống tại các trung tâm bảo trợ xã hội, thì ở lại. Trong mọi trường hợp, ưu tiên đầu tiên luôn là tổ chức hồi gia cho người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng. Vì thế, đơn vị tiếp nhận ban đầu và cơ sở chăm sóc sau này đều thực hiện xác minh địa chỉ cư trú và tổ chức hồi gia ngay khi đối tượng có người thân trực tiếp đến bảo lãnh, hoặc có người thân có nơi cư trú ổn định và đồng ý tiếp nhận (văn bản). Nếu người lang thang xin ăn có tiền tích lũy, số tiền đó được bảo toàn tuyệt đối và giao lại cho họ.