Quang cảnh Hội nghị |
Hội nghị có ý nghĩa, tạo đột phá cho nền kinh tế của từng địa phương, mở ra cơ hội mới để thu hút những dự án đầu tư đến từ TPHCM. Hội nghị còn là điều kiện, cơ hội trong việc liên kết triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 6-10-2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 152-NQ/CP ngày 15-11-2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; góp phần khai thác, phát huy hiệu quả, tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong vùng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.
Ông Hồ Văn Mười, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, Tây Nguyên có tiềm năng lợi thế về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, du lịch. Tuy nhiên, hiện nay còn những hạn chế, yếu kém, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Trong thời gian tới, tỉnh Đắk Nông mong muốn cùng với TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên “cùng nỗ lực, vượt khó, gắn bó và liên kết với nhau” để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế sẵn có; tiếp tục cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; chủ động tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu tại hội nghị |
Theo Nguyễn Hữu Tháp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, biên bản thỏa thuận tỉnh Kon Tum hợp tác song phương đối với TPHCM trong các lĩnh vực: Phát triển năng lượng tái tạo, cây dược liệu; phát triển Khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; hình thành các khu du lịch sinh thái, các khu du lịch gắn với vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên. Do đó, Kon Tum mong muốn lãnh đạo TPHCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên quan tâm, chỉ đạo các sở, ban ngành, chủ động phối hợp để thực hiện các nội dung hợp tác; duy trì tình đoàn kết, gắn bó giữa TPHCM với các địa phương…
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại Hội nghị |
Đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM đánh giá, trong thời gian qua, các chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM và 5 tỉnh vùng Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Việc triển khai thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TPHCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên nhằm chuyển hóa tiềm năng, lợi thế của các bên thành giá trị cụ thể, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương các tỉnh vùng Tây Nguyên; tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của TPHCM và các địa phương vùng Tây Nguyên; cũng như trao đổi kinh nghiệm về cải cách hành chính, quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, nâng cao đời sống của người dân.
Lãnh đạo UBND TPHCM và lãnh đạo 5 tỉnh Tây Nguyên chụp ảnh lưu niệm |
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, năm 2023, TPHCM sẽ chủ trì, thực hiện 7 sự kiện tổ chức tại TPHCM như: Tuần lễ triển lãm sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của các tỉnh trong vùng Tây Nguyên; Tuần lễ sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng các vùng, miền năm 2023; Lễ hội tinh hoa làng nghề và đặc sản Việt Nam; Tổ chức chuỗi sự kiện Hội nghị Kết nối cung - cầu giữa TPHCM và các tỉnh, thành năm 2023; Chương trình kết nối cung cầu chuyên đề đặc sản vùng miền và sản phẩm OCOP; Tổ chức kết nối cung cầu trực tuyến, tổ chức tập huấn, tuyên truyền, mời gọi, hướng dẫn nhà cung ứng tham gia giới thiệu sản phẩm, chào bán, cung ứng hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử như tiki, shopee, lazada, sendo…
Trong năm 2024 - 2025, sẽ tập trung thực hiện 5 lĩnh vực: phát triển du lịch, kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục; lĩnh vực nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM đề nghị, từ đây đến cuối năm, 5 tỉnh Tây Nguyên nên tổ chức mỗi tỉnh một sự kiện. Tuy nhiên, khi tổ chức sự kiện từng tỉnh phải gắn với cái chung của toàn vùng, để người dân, doanh nghiệp tất cả các nơi có thể tham gia vào sự kiện này. “TPHCM với các tỉnh Tây Nguyên cùng hiến kế ý tưởng, cách thức tổ chức và huy động nguồn lực thì chắc chắn sẽ có hiệu quả”, đồng chí Võ Văn Hoan nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM giao cho Sở Công thương TPHCM theo dõi Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk); Lễ hội thổ cẩm của Đắk Nông giao cho Sở Du lịch TPHCM; Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên (Gia Lai) giao Sở Văn hóa TPHCM; Lễ hội hoa Đà Lạt (Lâm Đồng) giao Sở Du lịch TPHCM; Lễ hội sâm Ngọc Linh (Kon Tum) giao cho Sở NN-PTNT.
“Bốn sở này phải hỗ trợ các tỉnh làm cho các lễ hội phải tốt hơn, phải làm cho đẳng cấp, để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Trước đó, tháng 12-2022, tại TP Đà Lạt (Lâm Đồng) đã diễn ra Hội nghị tổng kết chương trình hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2010-2021.
Lãnh đạo UBND các tỉnh vùng Tây Nguyên và TPHCM cũng đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.
Lĩnh vực hợp tác trọng tâm sẽ bao gồm: Phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại hai chiều; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển y tế, giáo dục và lĩnh vực nông nghiệp.