Sáng 19-2, đoàn công tác do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức làm trưởng đoàn đã đến thăm và động viên cán bộ, viên chức Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM (HCDC).
Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc HCDC cho biết, ngay từ khi phát hiện ca bệnh ở Chí Linh (Hải Dương) từ ngày 29-1, Ban lãnh đạo HCDC đã đánh giá đây là đợt cao điểm chống dịch mới và xác định toàn bộ nhân viên với hơn 450 nhân sự không có tết.
“Ngay từ ngày 1-2, toàn bộ tập thể Trung tâm HCDC đã thống nhất đồng ý sẽ không nghỉ tết, không ăn tết ở quê, 100% nhân viên có mặt ở TPHCM trừ 1 trường hợp đặc biệt duy nhất được giải quyết về quê ăn tết lý do ba của nhân viên này mắc bệnh nan y. Những cán bộ viên chức đã mua vé máy bay, vé tàu, xe, Ban lãnh đạo Trung tâm hỗ trợ giải quyết với các đơn vị vận tải hành khách hoàn vé hoặc giải quyết sau...”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng thông tin.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, trong “trận chiến” này nếu chỉ có HCDC thì không thể làm nên thành công nhưng với vai trò là đầu tàu của cả hệ thống phòng chống dịch, hệ thống y tế dự phòng, HCDC đã tham mưu cho lãnh đạo TPHCM, lãnh đạo Sở Y tế TP triển khai nhiều biện pháp, đặc biệt là thực hiện nhanh khẩn cấp công tác điều tra, truy vết, quản lý chuỗi lây nhiễm, khoanh vùng cách ly, cắt đứt chuỗi lây nhiễm phát hiện ở sân bay Tân Sơn Nhất.
TPHCM tổ chức xét nghiệm thần tốc, mở rộng giám sát, kiểm dịch chặt chẽ ở sân bay, nhà ga; đảm bảo công tác cách ly, hậu cần, nhân lực, trang phục phòng chống dịch và hậu cần về xét nghiệm. Trong đợt cao điểm từ 10-2 đến 10-3, HCDC đã tích cực triển khai các giải pháp kiểm soát những người về từ vùng dịch.
Tính đến sáng 19-2, đã tổ chức cách ly 186 người về từ vùng dịch và ổ dịch và giám sát người về TP, lấy mẫu ngẫu nhiên tại sân bay, bến xe, nhà ga 1.000 mẫu/ ngày và làm liên tục từ ngày 16-2 đến nay.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, hiện người về TPHCM không từ vùng dịch chỉ được cho khai báo y tế và giám sát sức khỏe nhưng có nhiều đơn vị muốn cho nhân viên xét nghiệm Covid-19 để đảm bảo an toàn trước khi quay trở lại làm việc.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng kiến nghị lãnh đạo TP, đây có thể được xem là hình thức xã hội hóa, doanh nghiệp tham gia với ngành y tế giám sát kiểm soát dịch Covid-19. Vì vậy cần mở rộng đối tượng giám sát theo hình thức xã hội hóa này, nghĩa là các đơn vị, doanh nghiệp họ tự bỏ tiền để giám sát nhân viên của họ trở về TP sau kỳ nghỉ tết, điều này sẽ giúp HCDC mở rộng số lượng giám sát ở TPHCM.
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, thời gian tới, HCDC sẽ tăng cường vai trò của các tổ Covid-19 cộng đồng để làm công tác truyền thông hướng dẫn người dân thực hiện đúng 5K của Bộ Y tế cũng như thực hiện quy định về cách ly; đặc biệt giám sát tại địa phương để sớm phát hiện những trường hợp trốn, không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực.
“Để ngành y tế dự phòng mạnh, không chỉ có HCDC mạnh mà cả hệ thống bao gồm các Trung tâm y tế quận-huyện, trạm y tế phường-xã cũng phải mạnh, ít nhất phải đủ về số lượng nhân lực và trang thiết bị cần thiết tối thiểu để đảm bảo cho hoạt động chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn. Bên cạnh đó, đầu tư về trang thiết bị xét nghiệm hiện đại phục vụ nhu cầu xét nghiệm”, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng đề xuất.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức cho biết, TPHCM đã trải qua một cái tết rất đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn ra phức tạp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM biểu dương tinh thần làm việc của HCDC nói riêng và ngành y tế TPHCM nói chung đã đạt hiệu quả bước đầu trong công tác chống dịch Covid-19 khi cơ bản kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn để người dân có một cái tết an toàn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức mong các cơ quan sẽ tiếp tục phát huy, không tự mãn, tiếp tục quyết liệt, khắc phục mọi khó khăn trong công tác chống dịch.
Theo Phó Chủ tịch Dương Anh Đức, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, TPHCM tuyệt đối không được mất cảnh giác. HCDC cần thường xuyên, liên tục chủ động rà soát công tác chống dịch hiệu quả nhất, nếu tình hình dịch thay đổi như có biến chủng mới thì phương thức chống dịch phải khác, đảm bảo an toàn là trên hết. Bên cạnh đó, cần có kế hoạch tham mưu phòng dịch chủ động cho TP, không để bị động.
“HCDC và ngành y tế TPHCM cần tiếp tục củng cố, chuẩn bị mọi điều kiện làm chủ được tình huống phát sinh, kể cả là tình hình xấu khi ca bệnh vượt quá 50, có thể đến cả 500 ca bệnh, kiểm tra nguồn dự trữ nhân lực, vật lực để khi cần có thể kích hoạt được ngay”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức yêu cầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, HCDC phải là đội quân tiên phong chủ động tham mưu Sở Y tế và TP các biện pháp phòng chống dịch, làm sao đảm bảo điều kiện kinh tế TP vẫn phát triển nhưng đảm bảo an toàn. Vẫn duy trì chiến lược phòng bệnh trong chủ động, khi cần tăng tốc lấy mẫu, xét nghiệm.
“Tuyệt đối không được mất cảnh giác, đừng thấy đang yên ổn mà buông lỏng, tự do, thoải mái, phải luôn trong trạng thái đề phòng cao nhất. Ngành y tế thông qua y tế dự phòng mà chủ chốt là HCDC luôn luôn nhắc nhở các cơ sở, đơn vị có biện pháp ứng xử và cảnh giác cao nhất có thể để chúng ta hoàn thành tốt nhiệm vụ”, đồng chí Dương Anh Đức nhấn mạnh
Liên quan việc xã hội hóa xét nghiệm, đồng chí Dương Anh Đức cho rằng, TPHCM rất ủng hộ việc tạo điều kiện để cho các doanh nghiệp tầm soát Covid-19 cho nhân viên của họ, cần công bố rộng rãi hơn, cụ thể hơn các đơn vị được Bộ Y tế công nhận có thể xét nghiệm được Covid-19 để chia tải bớt cho HCDC, công khai minh bạch về giá cả, cách thức đăng ký… |
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng hoàn toàn ủng hộ công tác củng cố y tế dự phòng của TP, tuy nhiên cần phải căn cứ tình hình thực tế để thực hiện một cách có khả thi, cân đối gói đầu tư trong tương lai, để đầu tư không chồng lấp, lãng phí.
“TP sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho hệ thống y tế dự phòng phát triển, trong đó đầu tư trang thiết bị, nguồn nhân lực và các cơ chế tài chính, để phát huy tối ưu nguồn lực, phục vụ tốt hơn cho phòng chống dịch bệnh cũng như chức năng khác của ngành y tế”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh.