TPHCM tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Thái Lan đầu tư​

Thông qua Hội thảo kết nối doanh nghiệp TPHCM và doanh nghiệp Thái Lan, đồng chí Trần Lưu Quang hy vọng doanh nghiệp hai bên tạo cơ hội hợp tác, qua đó thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa TPHCM và Thái Lan.

Ngày 26-11, tại Thái Lan, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM và Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan phối hợp tổ chức hội thảo kết nối doanh nghiệp TPHCM và doanh nghiệp Thái Lan.

Tham dự hội thảo có đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Bà Trần Thị Thanh Mỹ, Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan; Ông Sanan Angubolkul, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Thái Lan - Việt Nam, cùng 70 doanh nghiệp của TPHCM và Thái Lan.

TPHCM tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Thái Lan đầu tư​ ảnh 1 Đồng chí Trần Lưu Quang phát biểu tại hội thảo
Thông qua hội thảo này, DN hai nước mong muốn được kết nối, tạo cơ hội hợp tác đầu tư tại Việt Nam cũng như tại Thái Lan về các lĩnh vực như công nghệ, bất động sản, logistics, thương mại dịch vụ, kênh phân phối thương mại điện tử, sản xuất các mặt hàng mà hai bên có nhu cầu… Đặc biệt, đưa hàng hóa tiêu thụ tại hai nước. Xây dựng dựng kênh thông tin điện tử nhằm cung cấp, chia sẻ thông tin DN giữa hai nước.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Lưu Quang cho rằng, hội thảo là cơ hội kết nối giao lưu giữa các doanh nghiệp, thiết lập cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh. Đẩy mạnh hợp tác Việt Nam - Thái Lan thông qua các triển lãm hàng đầu tại Thái Lan.  
Theo đồng chí Phó Bí thư, TPHCM là một đô thị đặc biệt có dân số đông nhất cả nước, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực được đánh giá năng động nhất cả nước, nơi tạo ra 45% GDP, đóng góp hơn 42% ngân sách. Năm 2018, TPHCM thu hút 22% nguồn vốn FDI của cả nước. Thành phố cam kết tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phục vụ tốt nhất cho các doanh nghiệp.
Về thương mại, Thái Lan là đối tác thương mại đứng đầu của Việt Nam trong khối ASEAN, với kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2018 đạt 17,2 tỷ USD, tăng 13,4% so với năm 2017 và 6 tháng dầu năm 2019 đạt 8,8 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ.
Riêng TPHCM, kim ngạch thương mại với Thái Lan trong năm 2018 đạt 3,155 tỷ USD, tăng 1,1% so năm 2017, và chiếm hơn 18% của cả nước.
Về đầu tư, Thái Lan hiện là nhà đầu tư lớn thứ 9 trong số 132 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 549 dự án, tổng vốn đầu tư 10,8 tỷ USD. Riêng tại TPHCM, Thái Lan là nhà đầu tư lớn thứ 12, với 203 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt 426,5 triệu USD. Trong 10 tháng đầu năm nay, có 15 dự án của Thái Lan được cấp phép đầu tư vào TP, với tổng số vốn đầu tư đạt gần 1,7 triệu USD.
Tại hội thảo này, có 10 doanh nghiệp là các tổng công ty lớn của TPHCM và các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong các lĩnh vực như công nghệ, bất động sản, logistics, thương mại dịch vụ, kênh phân phối thương mại điện tử, sản xuất… đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác kỉnh doanh tại Thái Lan. Đồng chí Trần Lưu Quang hy vọng thông qua hội thảo này, DN hai bên tạo cơ hội hợp tác, qua đó thúc đẩy thương mại, đầu tư giữa TPHCM và Thái Lan.
Chiều cùng ngày, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cùng một số sở ngành tham quan công trình hồ giảm ngập tại Công viên Centenary Park, Đại học Chulalongkorn, Thủ đô Bangkok, Thái Lan. Tại đây, đoàn tham quan thực địa một số hạng mục công trình như hồ, cách xử lý nước…
Đồng chí Trần Lưu Quang tham quan công viên hồ trữ nước

Theo đại diện quản lý Công viên Centenary Park, công viên có thể trữ nước mưa cho những tuyến phố xung quanh khu vực trong vòng 3 tiếng đồng hồ, sau đó sẽ bơm nước ra hệ thống thoát. Mùa khô xử lý nước thải từ các chung cư đưa vào hồ trữ dùng tưới cây. Hồ này không có chức năng chống ngập mà là mô hình để các cơ quan Nhà nước thực hiện như một giải pháp chống ngập ở các khu vực khác. Và đây cũng là nơi để người dân vui chơi, nơi tổ chức các hoạt động ngoài trời.

TPHCM tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp Thái Lan đầu tư​ ảnh 3 Đồng chí Trần Lưu Quang tham khảo thực địa hệ thống gom nước mưa vào hồ trong công viên

Centenary Park hoàn toàn là một không gian xanh với diện tích rộng khoảng 4,5 ha, xây dựng năm 2017 với tổng mức đầu tư 700 triệu USD. Một bên của công viên được xây dựng theo độ nghiêng để nước có thể chảy vào bể chứa khổng lồ, một phần mái xanh được trồng cây cỏ cũng có thể hướng nước chảy qua các khu vườn treo nằm nghiêng, rồi dẫn nước mưa đi qua một vùng ngập nhân tạo, chảy vào hồ lớn để thấm dần vào trong đất. Lượng nước chứa tối đa của hồ khoảng 1 triệu gallon nước.

Tin cùng chuyên mục