TPHCM tăng sức hấp dẫn bằng giao thông đường thủy

Tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, TPHCM phải ngưng một số hoạt động vận tải khách đường thủy để tập trung cho công tác chống dịch. Tuy nhiên, những năm gần đây, TPHCM đã và đang có nhiều động thái đầu tư cho phát triển giao thông đường thủy. Theo nhiều chuyên gia, dù thành quả bước đầu còn khá khiêm tốn, nhưng đó là bước đi đúng hướng của TPHCM góp phần tăng thêm tính hấp dẫn của thành phố. 
Bến Bạch Đằng là một trong nhiều bến trên sông và kênh lớn đang được khai thác du lịch. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bến Bạch Đằng là một trong nhiều bến trên sông và kênh lớn đang được khai thác du lịch. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Những chuyến tàu, phà đầu tiên

Đầu tháng 1-2021, TPHCM đưa vào khai thác tuyến phà biển Cần Giờ đi Vũng Tàu và ngược lại. Đây là tuyến phà biển đầu tiên tại TPHCM do doanh nghiệp đầu tư, xuất phát từ bến Tắc Suất ở thị trấn Cần Thạnh (huyện Cần Giờ, TPHCM) đến TP Vũng Tàu (gần trụ sở Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu). Mỗi chuyến phà chở khoảng 200 người, 10 ôtô, 100 xe máy và hàng hóa. 

Sống gần 65 năm tại vùng đất Cần Giờ, ông Trần Quang Toản (ngụ thị trấn Cần Thạnh), như nhiều người dân ở đây, không giấu được sự phấn khởi khi tuyến phà biển đi vào hoạt động. Ông Toản cho biết, trước đây di chuyển bằng đường bộ mất gần bốn giờ mới đến được TP Vũng Tàu, nay chỉ cần khoảng 30 phút đi phà là tới. 

Không chỉ người dân Cần Giờ vui mừng mà người dân từ tỉnh Long An, Tiền Giang cũng được hưởng lợi từ tuyến phà biển này. Người dân ở hai tỉnh trên đi Bà Rịa - Vũng Tàu có thể từ huyện Cần Giuộc (Long An) qua phà Cần Giờ - Cần Giuộc (khoảng 30 phút), đi theo đường Lý Nhơn, đường Rừng Sác với cự ly 40km, thời gian hành trình khoảng 1 giờ đến bến Tắc Suất. Như vậy, thời gian hành trình từ huyện Cần Giuộc đến TP Vũng Tàu chỉ khoảng 2 giờ 30 phút (kể cả thời gian chờ phà). Trước đây, người dân và du khách từ Vũng Tàu đi đến Cần Giờ bằng ôtô phải mất hơn 3 giờ 30 phút, nhưng bây giờ chỉ tốn khoảng 30 phút đi ôtô qua phà biển để đến tham quan huyện Cần Giờ.

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, đánh giá, việc đưa vào khai thác tuyến phà biển đã giảm áp lực cho vận tải đường bộ, nhất là cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và QL51. Không chỉ rút ngắn thời gian và khoảng cách, việc khai thác tuyến vận tải này còn tạo điều kiện cho huyện Cần Giờ kết nối giao thông thuận lợi với các tỉnh lân cận, góp phần phát triển kinh tế xã hội và du lịch ở khu vực. 

Ngoài tuyến phà biển nêu trên, TPHCM hiện có hơn 30 bến phà, đò (bến khách ngang sông) hoạt động trên các sông Sài Gòn, Đồng Nai... Trong đó, hai bến phà lớn nhất là Cát Lái (nối quận 2, TPHCM và huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), Bình Khánh (nối huyện Cần Giờ và Nhà Bè). Hai bến phà này hiện mỗi ngày chở khoảng 80.000 khách qua lại, cao điểm các dịp lễ, tết khi dịch chưa bùng phát đạt từ 100.000-120.000 lượt.

Trước đó, năm 2017, TPHCM đưa vào khai thác tuyến buýt đường sông số 1 từ quận 1 đi Thủ Đức (Bạch Đằng - Linh Đông) cũng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Ông Bùi Hòa An cho biết, với việc đưa tuyến buýt sông vào khai thác, sở kỳ vọng sẽ mở thêm “kênh” giao thông mới cho người dân và qua đó góp phần phát triển du lịch sông nước cho thành phố. Theo ông Bùi Hòa An, tuyến có các bến đón, trả khách gồm Bạch Đằng, Bình An, Thanh Đa, Hiệp Bình Chánh, Linh Đông...

Đoạn đường còn dài

Theo Sở GTVT TPHCM, TPHCM có thế mạnh về sông, kênh, rạch. Trong đó, 110 tuyến sông, kênh rạch có khả năng tổ chức giao thông thủy, hiện đã được khai thác làm tuyến đường thủy nội địa và tuyến hàng hải với tổng chiều dài 975km. Mạng lưới đường thủy trên địa bàn TPHCM xen kẽ, dày đặc trong nhiều khu vực nội và ngoại thành, hình thành nên các trục giao thông thủy kết nối từ trung tâm TPHCM về các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc ra ngoại vi và đi đến các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, khu vực ĐBSCL. Cùng với đó là hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa trải khắp trên địa bàn thành phố. 

Tuy nhiên, hầu hết các tuyến giao thông thủy trọng điểm hiện nay đều bị vướng các công trình vượt sông với tĩnh không, khẩu độ thông thuyền nhỏ, thấp, ảnh hưởng đến quá trình khai thác vận tải thủy. 

Cụ thể, trong 92 tuyến đường thủy nội địa có 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, có tổng cộng 218 cầu bắc qua. Trong đó, 102 cầu không đảm bảo tĩnh không, khẩu độ thông thuyền theo quy hoạch. Từ năm 2009 đến nay, có hơn 50 cầu đã được cải tạo nâng cấp, song chủ yếu để giải quyết ùn tắc giao thông đường bộ mà chưa quan tâm đúng mức tới mục tiêu đảm bảo giao thông thủy. Vì vậy, việc tập trung đầu tư mới cũng như nâng cấp, cải tạo hệ thống giao thông đường thủy được TPHCM đặc biệt quan tâm từ nay đến năm 2030. 

Theo đó, trong giai đoạn 2021-2030, Sở GTVT TPHCM sẽ tập trung đầu tư các tuyến giao thông đường thủy nội địa kết nối đến cảng biển. Cụ thể, 4 tuyến từ nội thành đến cảng Hiệp Phước, huyện Nhà Bè; 3 tuyến kết nối TP Thủ Đức tới cảng Cát Lái. Bên cạnh đó, sở tập trung phát triển ngành dịch vụ logistics trên địa bàn TPHCM với các trung tâm logistics như Khu công nghệ cao, Trung tâm Logistics Long Bình, Cát Lái, Linh Trung, Hiệp Phước, Tân Kiên, Củ Chi… 

Ngoài ra, TPHCM sẽ tập trung ưu tiên đầu tư cảng thủy nội địa - cảng cạn theo đúng quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Bộ GTVT đã phê duyệt. Đồng thời, nhằm tăng kết nối vùng, TPHCM và các tỉnh Đông Nam bộ sẽ thông 5 tuyến đường thủy nội địa gồm: Sài Gòn - Mộc Hóa (sông Vàm Cỏ Tây), Sài Gòn - Hiếu Liêm (sông Đồng Nai), Sài Gòn - Thị Vải, Sài Gòn - Bến Súc, Sài Gòn - Bến Kéo (sông Vàm Cỏ Đông). 

Theo các chuyên gia, giao thông thủy là một loại hình giao thông có nhiều ưu điểm như chi phí đầu tư không cao, sức chở lớn; nhưng để loại hình giao thông này phát triển, cần có sự kết nối đồng bộ với mạng lưới vận tải đường bộ. Muốn vậy, TPHCM phải đầu tư hệ thống bến cảng, bến tàu. Hiện quỹ đất dùng để đầu tư xây dựng cảng, bến thủy còn hạn chế. Chưa kể, việc khai thác hành lang sông, kênh rạch để kết nối các bến, đồng bộ hóa giao thông thủy - bộ… phục vụ cho các tuyến giao thông thủy chưa có quy định pháp luật. Do vậy, để phát triển giao thông thủy, TPHCM phải nhanh chóng tháo gỡ hoặc kiến nghị Chính phủ cho tháo gỡ các vướng mắc. Một khi đã có đủ hành lang pháp lý, TPHCM mới có thể kêu gọi doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư mạnh vào lĩnh vực này.

42.000 tỷ đồng phát triển giao thông thủy

Sở GTVT TPHCM đã rà soát cập nhật quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng đường thủy vào Đề án Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông giai đoạn từ nay đến năm 2030. Trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu phát triển mạng lưới đường thủy và cảng, bến về phía Nam, phía Tây Nam (khu vực huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh...) để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong tình hình mới hiện nay.

Theo đề án này, TPHCM dự kiến triển khai 123 dự án trong lĩnh vực giao thông đường thủy với tổng vốn đầu tư khoảng 42.000 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư 5 dự án cảng đường thủy nội địa phục vụ phát triển trung tâm logistics, 20 bến thủy nội địa, 51 dự án bảo đảm tĩnh không các cầu trên các tuyến thủy nội địa. TPHCM còn đầu tư các tuyến liên kết nội thành vùng ven, liên kết đến các cảng và các tuyến khách liên tỉnh (TPHCM đi Hà Tiên, Đồng Tháp Mười, Mộc Hóa, Biên Hòa..). 

Trên địa bàn thành phố hiện có 14 cảng thủy nội địa (1 cảng hàng hóa, hành khách; 13 cảng hàng hóa) và 294 bến thủy nội địa, gồm: 32 bến hàng hóa; 70 bến hành khách; 2 bến hàng hóa, hành khách; 10 bến neo đậu (phương tiện hành khách không kinh doanh); 6 bến neo đậu (đóng, sửa chữa phương tiện); 6 bến huấn luyện, tập kết rác; 30 bến vật liệu thi công công trình; 110 bến kinh doanh vật liệu xây dựng và 28 bến khách ngang sông.

Tin cùng chuyên mục