Ngay tại hội nghị, Saigon Co.op đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ các sản phẩm với 35 doanh nghiệp cung ứng của tỉnh Tây Ninh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết, Tây Ninh là một trong những tỉnh có số lượng siêu thị Co.opmart lớn nhất của Saigon Co.op với 9 siêu thị và tổng doanh thu vượt mức 1.000 tỷ đồng/năm, chiếm 30% tổng doanh số các tỉnh thành Đông Nam Bộ.
Đồng chí Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch UBND TPHCM tìm hiểu sản phẩm đặc sản của tỉnh Tây Ninh |
Nhìn nhận về tiềm năng cung ứng sản phẩm của tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Anh Đức khẳng định, nguồn cung ứng sản phẩm rất lớn. Saigon Co.op đặt mục tiêu nâng quy mô thu mua hàng hóa của tỉnh Tây Ninh lên 1.000 tấn với giá trị trên 100 tỷ đồng vào năm 2025. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cung ứng của doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh, Saigon Co.op đề xuất lãnh đạo tỉnh cần đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ.
Cụ thể, cần tạo điều kiện cho Saigon Co.op mở rộng hệ thống siêu thị kết hợp thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Về phía tỉnh cần đẩy nhanh việc triển khai quy hoạch vùng trồng kết hợp chuẩn hoá quy trình trồng trọt và chất lượng nguồn nông sản. Sản phẩm sau thu hoạch, chế biến đảm bảo đáp ứng rào cản kỹ thuật trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là đáp ứng xu hướng phát triển kinh tế xanh, bền vững.
Trên thực tế, sự hạn chế trong các khâu tiếp thị, quảng bá, xây dựng thương hiệu… đang là rào cản khiến sản phẩm của tỉnh Tây Ninh chưa trở thành sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao. Doanh nghiệp vẫn chủ yếu bán sản phẩm thô. Các nguồn cung cấp đặc sản vẫn phát triển theo hướng tự phát, sản xuất theo dạng thủ công rời rạc, công nghệ lạc hậu nên ảnh hưởng lớn đến chất lượng. Đồng thời do làm theo mùa vụ, thụ động trong khâu sản xuất, chế biến nên nguồn hàng cung cấp không ổn định. Điều này dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của sản phẩm thấp, việc tiêu thụ, đặc biệt là xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
"Hiện tỉnh Tây Ninh đang tập trung hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện công nghệ, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và kinh doanh các sản phẩm; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng an toàn thực phẩm, hữu cơ cho các doanh nghiệp, chủ trang trại và nông hộ. Cùng với đó, tỉnh đang xây dựng các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, khuyến công, xúc tiến thương mại, chương trình khởi nghiệp... Cùng với sự hợp tác hỗ trợ chuẩn hoá chất lượng sản phẩm, kết hợp hỗ trợ tiêu thụ của Saigon Co.op, sản phẩm của tỉnh sẽ mở rộng thị phần không chỉ tại TPHCM, cả nước và vươn xa thị trường nước ngoài", đồng chí Nguyễn Thành Tâm, Bí thư tỉnh uỷ Tây Ninh khẳng định.
Saigon Co.op ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về tiêu thụ các sản phẩm với 35 doanh nghiệp cung ứng tỉnh Tây Ninh. |
Tỉnh Tây Ninh và Saigon Co.op cam kết sẽ tạo nền tảng nhân rộng hoạt động kết nối bao tiêu sản phẩm thành hoạt động phối hợp thường xuyên để góp phần hình thành các chuỗi giá trị liên kết sản xuất, phân phối, tiêu dùng bền vững, hiệu quả.
Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, Saigon Co.op sẽ khai thác triệt để cầu nối xuất khẩu là đối tác chiến lược NTUC FairPrice để đưa đặc sản Tây Ninh ra thị trường quốc tế. Ở chiều ngược lại, hai bên cùng vận động các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản thực phẩm và sản xuất, cung cấp các mặt hàng đặc sản trên địa bàn tỉnh có sản phẩm tốt, uy tín, công nghệ tiên tiến, đồng thời có nhu cầu tham gia kết nối để giúp doanh nghiệp mở rộng mạng lưới kinh doanh...