Theo bà Tạ Thị Minh Thư, Trưởng Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập (Sở GD-ĐT TPHCM), hiện nay, tình trạng chuyển nhượng, thay đổi vốn góp đầu tư xuất hiện ngày càng nhiều đối với các cơ sở ngoài công lập nhưng chưa có quy định pháp lý rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
Trong đó, nhiều đơn vị chưa tách bạch hoạt động của doanh nghiệp và trường học, thể hiện qua các hợp đồng góp vốn đầu tư, hoạt động công đoàn cơ sở, chưa thực hiện hồ sơ công nhận hội đồng trường theo quy định.
Năm học 2023-2024, Thanh tra Sở GD-ĐT đã xử phạt 8 đơn vị vi phạm hành chính gồm 4 trường tư thục; 2 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 1 đơn vị giáo dục kỹ năng sống và giáo dục ngoài giờ chính khóa; 1 trường mầm non có vốn đầu tư nước ngoài.
Cùng với đó, Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập (Sở GD-ĐT TPHCM) có văn bản yêu cầu rà soát, chấn chỉnh hoạt động không đúng quy định đối với 8 cơ sở ngoài công lập; khắc phục quảng cáo không đúng quy định đối với 4 đơn vị khác.
Phát biểu tại hội nghị tổng kết, bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM mong muốn có sự phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn giữa các sở, ban, ngành, UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện, các phòng GD-ĐT trong công tác quản lý hoạt động các cơ sở giáo dục ngoài công lập để đảm bảo tính khách quan, đồng bộ và hiệu quả.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu Phòng Quản lý cơ sở giáo dục ngoài công lập chủ động rà soát, góp ý hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật về giáo dục ngoài công lập, triển khai kịp thời các quy định đến các cơ sở giáo dục trên toàn thành phố.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu đề nghị các phòng ban của Sở GD-ĐT tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục ngoài công lập một cách kịp thời, hỗ trợ những cơ sở còn khó khăn, đặc biệt xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm.
Dịp này, Sở GD-ĐT TPHCM đã khen thưởng 105 đơn vị đạt thành tích xuất sắc trong nhiệm vụ quản lý, điều hành các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Tính đến cuối năm học 2023-2024, toàn thành phố có 2.136 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trong đó, 94 trường tư thục có vốn đầu trong nước, 21 trường có vốn đầu tư nước ngoài, 17 trường mầm non vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, có 968 trung tâm ngoại ngữ, tin học; 144 cơ sở giáo dục ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài; 180 đơn vị tổ chức kỹ năng sống; 16 trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hoà nhập; 674 trung tâm tư vấn du học và 22 văn phòng đại diện.
Toàn ngành có 22.668 giáo viên, trong đó có 16.328 giáo viên Việt Nam, 6.340 giáo viên nước ngoài.
Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên TPHCM ban hành Quy chế phối hợp giữa Sở GD-ĐT với các sở, ban, ngành; Cục thuế TPHCM; Bảo hiểm Xã hội TPHCM; UBND TP Thủ Đức và 21 quận huyện trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập trên địa bàn thành phố.