Ngày 14-4, Sở GD-ĐT TPHCM đã có văn bản gửi Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và 21 quận, huyện, hiệu trưởng các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học, trung cấp, cao đẳng, giám đốc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc về tăng cường hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại trẻ em, học sinh, sinh viên khi học tập trực tuyến và sử dụng môi trường mạng.
Theo đó, nhằm bảo vệ học sinh, sinh viên khỏi tác động tiêu cực khi tham gia học tập trực tuyến và khai thác sử dụng môi trường mạng, tạo môi trường học tập trực tuyến lành mạnh, hiệu quả, chất lượng, Sở GD-ĐT TP đề nghị thủ trưởng các đơn vị triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể học sinh, sinh viên về kiến thức, kỹ năng sử dụng internet, mạng xã hội đảm bảo an ninh, an toàn.
Ngoài ra, các đơn vị trường học cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các lớp/ giờ học trực tuyến nhằm kịp thời phát hiện, xử lý và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm, gây rối khi tổ chức các hoạt động dạy và học qua môi trường mạng.
Trường học cần hướng dẫn học sinh, sinh viên khai thác kho dữ liệu, học liệu số, nền tảng số và các video clip hỗ trợ tâm lý, kĩ năng học tập, sử dụng mạng xã hội an toàn.
Bên cạnh đó, giáo viên, học viên, học sinh, sinh viên được khuyến khích tham gia xây dựng các video clip ngắn, dễ hiểu để tuyên truyền, chia sẻ kinh nghiệm tốt trong dạy và học trực tuyến, thực hiện ứng xử văn hóa trên mạng xã hội.
Các trường phát huy vai trò của tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường, tổ chức tư vấn trực tiếp, trực tuyến hoặc qua điện thoại và các hình thức phù hợp.
Trước đó, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên trong quá trình học tập qua internet cũng như quy định về việc đảm bảo an ninh, an toàn trong dạy và học trực tuyến.
Hiện nay, ngành giáo dục cho phép các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên được dạy học trực tuyến hỗ trợ và thay thế dạy học trực tiếp. Người đứng đầu cơ sở giáo dục có thể quyết định hình thức tổ chức dạy học trực tuyến hỗ trợ hoặc thay thế dạy tại cơ sở giáo dục trong thời gian học sinh không đến trường để học tập vì lý do bất khả kháng.