Chiều 25-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch bệnh và các vấn đề dư luận quan tâm trên địa bàn.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TPHCM Phạm Đức Hải và Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh chủ trì buổi họp báo.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, thời gian qua, mặc dù TPHCM có nhiều biện pháp kiểm soát dịch bệnh nhưng số ca mắc vẫn có sự gia tăng nhẹ (ngày 23-11: 1.594 ca, ngày 24-11: 1.582 ca ngày 25-11: 1.666 ca). Số F0 gia tăng, kéo theo tỷ lệ tử vong cũng gia tăng, chủ yếu ở người trên 65 tuổi có bệnh lý nền, người chưa tiêm vaccine.
Trước tình hình đó, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng và trình UBND TPHCM chiến lược y tế cũng như thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả Covid-19; quy chế phối hợp hoạt động quản lý thu dung F0 tại nhà, tại các cơ sở thu dung điều trị Covid-19 trên địa bàn các quận huyện, TP Thủ Đức. Bên cạnh đó, ban hành Hướng dẫn chăm sóc sức khỏe cho F0 tại nhà (phiên bản 1.6), hướng dẫn cụ thể xử lý F0 trong tình hình mới, đặc biệt là sử dụng gói thuốc A, B và C.
“Sở Y tế TP đã thành lập 8 group Zalo phân theo từng khu vực quận, huyện, TP Thủ Đức, trong đó có các lãnh đạo Sở Y tế TPHCM, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM trao đổi thường xuyên về hoạt động chuyên môn, cũng như việc điều chuyển bệnh để hỗ trợ tốt nhất cho người dân, đặc biệt là F0 điều trị tại nhà”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.
Bên cạnh đó, sở cũng đã có văn bản chấn chỉnh những bệnh viện không tiếp nhận bệnh nhân, không đáp ứng được nhu cầu người bệnh, các hệ thống khu vực, đảm bảo sức khỏe cho người dân. Cùng với đó, sở cũng điều động, tăng cường nhân viên y tế đến các bệnh viện dã chiến đa tầng, trạm y tế lưu động ở khu vực có F0 gia tăng như huyện Hóc Môn, Bình Chánh…; tiếp tục phối hợp với Hội Đông Y TPHCM để cấp phát thuốc y học cổ truyền nhằm bổ sung cho việc chăm sóc F0 tại nhà.
Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM Phạm Đức Hải, quan điểm của thành phố, khi bất cứ ai phát hiện mình là F0 cần nhanh nhất tiếp cận được trạm y tế địa phương hoặc trạm y tế lưu động. Việc tiếp cận nhằm giúp F0 được hướng dẫn cụ thể và được nhận túi thuốc và tư vấn của bác sĩ, nhân viên y tế.
“Theo số liệu những ngày gần đây, thành phố hiện đang có khoảng 57.000 F0 điều trị tại nhà. Do vậy, thành phố đang nỗ lực để giúp 57.000 F0 này này được tiếp cận với trạm y tế, trạm y tế lưu động”, ông Phạm Đức Hải thông tin và cho biết, TPHCM đang có giải pháp tăng cường nhân lực cho Trạm y tế lưu động và trạm y tế phường, xã; đưa lực lượng quân y, dân quân trực cùng nhân viên trạm y tế lưu động nhằm tạo điều kiện nhằm giúp người dân tiếp cận trạm y tế một cách nhanh nhất.
Không có phương án lập chốt kiểm soát
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng tham mưu, Công an TPHCM cho biết, Công an TPHCM không có phương án lập chốt kiểm soát, việc quản lý di biến động dân cư của Công an TPHCM trong công tác phòng chống dịch là quản lý chặt chẽ với phương châm “nắm chắc hộ và nắm chắc người”, quản lý chặt chẽ số người thường trú và số người tạm trú, cư trú tại địa phương để phục vụ cấp căn cước công dân gắn chip cho cư dân trên địa bàn thành phố; thông báo mã số định danh cá nhân và cập nhật, làm sạch dữ liệu dân cư.
“Việc quản lý di biến động dân cư, quản lý thường trú, tạm trú, cư trú để phục vụ phòng chống Covid-19 đó là quản lý các hộ gia đình có F0, theo dõi chấp hành các quy định về phòng chống dịch; nắm được số người trở về địa phương để phục vụ công tác tuyên truyền, tổ chức tiêm ngừa vaccine”, Thượng tá Lê Mạnh Hà thông tin.
Theo Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TPHCM Phạm Đức Hải, đến 18 giờ ngày 24-11, TPHCM có hơn 460.000 ca mắc Covid-19. Thành phố đang điều trị hơn 14.000 bệnh nhân, trong đó có 578 trẻ em dưới 16 tuổi, 357 bệnh nhân nặng đang thở máy, 10 bệnh nhân được can thiệp ECMO. Từ khi TPHCM bắt đầu tổ chức tiêm vaccine Covid-19 đến hết ngày 24-11 đã tiêm được 14.306.939 mũi tiêm, trong đó 6.415.954 người tiêm mũi 2. Đến hết ngày 24-11 có 670.642 trẻ tiêm mũi 1 và 324.717 trẻ tiêm mũi 2. |