Sắp xếp lại là cần thiết
Mục tiêu kể trên được nêu ra trong kế hoạch sắp xếp lại DNNN, DN có vốn nhà nước trực thuộc UBND TPHCM đến hết năm 2025, vừa được ban hành ngày 1-8. Kế hoạch này nhằm thực hiện Quyết định 184 của Thủ tướng Chính phủ, ban hành từ tháng 2-2024.
Quyết định này chỉ đưa ra kế hoạch sắp xếp lại DNNN, DN có vốn nhà nước tại TPHCM đến hết năm 2025. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tiễn tại TPHCM mà kế hoạch của thành phố nêu ra có đặt mục tiêu về xây dựng các tập đoàn kinh tế mạnh, việc này cũng được mang ra bàn thảo nhiều lần tại TPHCM.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, việc triển khai Quyết định 184 của Thủ tướng trên địa bàn TPHCM phải gắn với tái cơ cấu DNNN nhằm tạo động lực mới cho các DN này - với tư cách là một lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế TPHCM. Sau đợt sắp xếp lại, gắn với tái cơ cấu, một lần nữa, TPHCM sẽ tái sinh ra các DNNN TPHCM với sứ mạng quan trọng hơn.
Đó là công cụ mạnh cho chính quyền thành phố trong điều hành kinh tế, trong bối cảnh thực hiện kinh tế thị trường. Một số vấn đề đang được đặt ra, là có thể “gom” các DNNN hiện có thành các nhóm, như nhóm về hạ tầng, về dịch vụ, về công nghệ. Chẳng hạn, nhóm hạ tầng có thể bao gồm Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn, Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn… Nhóm thương mại dịch vụ có các đơn vị như Tổng Công ty Bến Thành, Saigontourist…
Hiện TPHCM có 46 DNNN, trong đó có 22 công ty dịch vụ công ích. Có ý kiến cho rằng, TPHCM chỉ thực sự cần 4-5 DN mạnh chứ không cần nhiều như vậy. Các công ty dịch vụ công ích cũng cần tính toán lại, thay vì mỗi quận huyện đều có một công ty như hiện nay.
Cùng với quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, các DNNN TPHCM nên được sắp xếp lại để đầu tư nguồn lực, chăm chút về cơ chế, con người để tạo nên các đơn vị kinh tế mạnh, là công cụ điều hành ở các lĩnh vực cần có sự hiện diện của nhà nước. Còn lại các lĩnh vực tư nhân có thể làm tốt thì mạnh dạn để tư nhân làm.
Việc không dễ
Số lượng các DNNN tại TPHCM nhiều so với các địa phương khác. Trong đó, nhiều DNNN được hình thành từ sớm, có đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của TPHCM từ buổi kinh tế còn “ngăn sông cấm chợ”, đến khi mở cửa và phát triển theo cơ chế thị trường.
Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM, nhu cầu phát triển DNNN, xây dựng DNNN vững mạnh để dẫn dắt, trở thành DN “đầu đàn” là cần thiết, nhưng phải định hướng được lộ trình và có chính sách ưu tiên. Cụ thể là xác định DN nào hoạt động hiệu quả, DN không hiệu quả, điểm mạnh, điểm yếu… và không phải DN nào cũng cần giữ lại.
Trong các hình thức tổ chức lại DNNN, theo bà Huỳnh Mai, có một mô hình có thể tham khảo thêm là công ty mẹ và các chi nhánh. Với mô hình này, một DN được giữ lại và các DN khác trở thành chi nhánh, thành đơn vị trực thuộc - về mặt quản lý như vậy sẽ phù hợp và đơn giản hơn mô hình công ty mẹ - con.
Trong khi đó, lãnh đạo Sở Tài chính TPHCM cũng đánh giá việc sắp xếp lại để hình thành DNNN đủ mạnh, giúp lãnh đạo thành phố điều hành phát triển kinh tế - xã hội là rất cần thiết, phù hợp với tình hình hiện tại.
Qua nghiên cứu, sở này cho rằng, các DN cùng nhóm chức năng với nhau, như 22 đơn vị công ích quận huyện và các công ty thoát nước, cây xanh… có thể thành lập mô hình công ty mẹ - con để đủ sức tham gia các gói thầu lớn, thực hiện nhiệm vụ công ích không chỉ trên địa bàn TPHCM. Với các DN trong diện cổ phần hóa, theo Sở Tài chính, sau cổ phần hóa có thể tập hợp phần vốn nhà nước còn lại về cho một DNNN trong nhóm nắm giữ…
Là đơn vị từng quản lý công ty thoát nước, cây xanh, Sở GTVT băn khoăn với việc “gom” các công ty công ích, thoát nước, cây xanh… về một mối, bởi đặc thù công việc trông có vẻ tương đồng nhưng thực chất có nhiều khác biệt. Nếu gom một cách máy móc có thể “anh mạnh không kéo được anh yếu lên, mà anh yếu lại kéo anh mạnh đi xuống”.
Lãnh đạo sở này cho biết, những năm 80, TPHCM đã có ý tưởng về tổng công ty công trình đô thị, nhưng cuối cùng không khả thi nên phải dừng lại. Ngoài những băn khoăn về mô hình, cách làm, chuyên gia kinh tế cũng nêu thêm một số vấn đề về bộ máy, con người…
Từ thực tế triển khai cổ phần hóa DNNN rất chậm thời gian qua, có thể thấy những công việc liên quan đến sắp xếp, cơ cấu lại DNNN là không dễ thực hiện dù các quy định đã có. Cần lên lộ trình phù hợp và có quyết tâm lớn mới có thể thực hiện được.
Liên quan đến việc xây dựng Đề án cơ cấu lại DNNN, tháng 8-2022, UBND TPHCM đã có Quyết định 2916 ban hành kế hoạch phê duyệt Đề án cơ cấu lại DNNN thuộc UBND TPHCM giai đoạn 2022-2025 với mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh, tăng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của DNNN, tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố.
Trong đó, TPHCM giải quyết dứt điểm tình trạng đầu tư dàn trải, ngoài ngành, lĩnh vực kinh doanh chính thông qua việc thoái vốn. Thí điểm lựa chọn một số DN sau cổ phần hóa có đủ điều kiện, có quy mô hợp lý để đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán khu vực và thế giới. Rà soát, đánh giá làm rõ thực trạng của từng DN, dự án đầu tư thua lỗ, kém hiệu quả để có phương án xử lý kịp thời, giảm thiểu tối đa tổn thất cho nhà nước và xã hội…
Trưởng Ban đổi mới quản lý DN TPHCM Trần Anh Tuấn cho biết, đến nay các DNNN trên địa bàn TPHCM đã nộp đề án cơ cấu lại, dự kiến quý 3-2024 sẽ hoàn thành việc này, đúng theo tiến độ Thủ tướng giao.