Có ý nghĩa rất lớn
Ông Phạm Quốc Bảo, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Điện lực TPHCM (EVNHCMC) cho biết, rất mừng khi Nghị quyết 98 có đề cập rất rõ đến việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ĐMT). Trong đó cho phép UBND TPHCM quyết định việc sử dụng mái nhà bảo đảm điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn Thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ cho hoạt động của trụ sở đó.
Theo ông Phạm Quốc Bảo, hiện TPHCM không có nguồn phát điện tại chỗ nên việc triển khai lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà tại trụ sở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập có ý nghĩa rất lớn trong việc bổ sung nguồn điện tại chỗ, góp phần đảm bảo an ninh cung cấp điện và giảm nhu cầu truyền tải điện từ bên ngoài cấp điện vào cho TPHCM. “Việc lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà tại trụ sở của các cơ quan, đơn vị là cần thiết và phù hợp với chủ trương tiết kiệm điện và cam kết của Chính phủ về mục tiêu Net-Zero, đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVNHCMC nhấn mạnh.
Dẫn chứng thêm về ĐMT mái nhà tại TPHCM, ông Phạm Quốc Bảo cho biết, tính đến hết năm 2022, toàn Thành phố có 14.142 hệ thống với tổng công suất lắp đặt là 355 MWp, chỉ chiếm tỉ lệ 3,7% so với tổng công suất lắp đặt ĐMT mái nhà của cả nước. Trong khi đó, tiềm năng của Thành phố để khai thác nguồn ĐMT mái nhà là rất lớn. Theo kết quả tính toán số liệu sơ bộ, tiềm năng ĐMT mái nhà tại các công sở trên địa bàn Thành phố có tổng công suất khoảng 166 MWp. Nếu lắp đặt hoàn tất, phần công suất này góp phần bổ sung một phần vào nguồn điện tại chỗ cho Thành phố.
Mặt khác, theo “Báo cáo đánh giá kỹ thuật tiềm năng năng lượng mặt trời trên mái nhà tại Việt Nam” năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, tiềm năng ĐMT mái nhà tại TPHCM ước tính khoảng 6.300MW. Do đó, việc Thành phố triển khai lắp đặt ĐMT mái nhà tại các công sở còn có ý nghĩa tiên phong, thúc đẩy người dân và doanh nghiệp cùng tham gia lắp đặt ĐMT mái nhà, nhằm đạt được mục tiêu “Phấn đấu đến năm 2030, 50% tòa nhà công sở và nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà” theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Từ cơ chế, chính sách đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội, EVNHCMC sẽ phối hợp với Sở Công Thương và các sở, ngành liên quan trong công tác xây dựng Đề án triển khai chương trình. “Trước mắt, EVNHCMC sẽ hỗ trợ các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà theo các quy định hiện hành, đồng thời quản lý, giám sát tình hình phát triển ĐMT mái nhà đảm bảo hệ thống điện Thành phố được vận hành an toàn và ổn định”, ông Phạm Quốc Bảo khẳng định.
Hàng năm, EVNHCMC đều tài trợ hệ thống điện mặt trời mái nhà cho 10 trường học trên địa bàn TPHCM |
Tuân thủ các quy định về an toàn điện
Ông Phạm Quốc Bảo cũng lưu ý: đối với vấn đề an toàn điện, Thông tư 30/2019/TT-BCT (trước đó là Thông tư 39/2015/TT-BCT) của Bộ Công thương đã quy định rất rõ các điều kiện, tiêu chuẩn để được đấu nối ĐMT mái nhà vào lưới điện phân phối. Do đó, khi triển khai lắp đặt hệ thống ĐMT mái nhà tại các cơ quan công sở hay các đơn vị khác đều phải tuân thủ các quy định trên. Bên cạnh đó, các chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định hiện hành như quy định về xây dựng, PCCC.
Hiện nay, ngành điện đã có thiết bị để đo đếm lượng điện sẽ phát ngược lên lưới điện khi sản lượng ĐMT còn thừa do chưa sử dụng hết. Tuy nhiên, hiện Bộ Công thương đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển ĐMT mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam. Việc tổ chức đấu nối và xử lý đối với phần sản lượng ĐMT mái nhà còn dư sẽ được EVNHCMC sẽ triển khai sau khi có hướng dẫn của Bộ Công thương.
Trước đó, thông tin về lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà công sở cũng đã được bà Nguyễn Thị Kim Ngọc, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, nêu rõ tại chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời” với chủ đề “Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM: trách nhiệm - hành động” tổ chức ngày 6-8. Bà Ngọc cũng khẳng định, hiện nay Thành phố giao Sở Công thương phối hợp với các sở ngành để xây dựng đề án sử dụng các mái nhà là tài sản công để lắp đặt hệ thống điện mặt trời. Hiện sở đang hoàn thiện để trình UBND TPHCM dự kiến triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời vào tháng 9-2023.
Về tác động của hệ thống điện mặt trời, bà Ngọc cho biết chủ yếu nằm ở vấn đề pin thải. Quy định hiện nay đã đưa sản phẩm tấm pin mặt trời vào danh mục các sản phẩm buộc các nhà sản xuất, nhập khẩu phải thu hồi, tái chế để không gây ảnh hưởng đến môi trường. Việc đảm bảo an toàn về môi trường, phòng cháy chữa cháy, điện, cũng như mỹ quan, thiết kế kiến trúc, trong đề án sẽ quy định trách nhiệm các cơ quan liên quan.
Trước đó, trong báo cáo tác động trình Quốc hội khi xem xét Nghị quyết 98, TPHCM cũng nêu UBND thành phố quyết định việc sử dụng mái nhà bảo đảm điều kiện kỹ thuật của các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị được xác định là tài sản công trên địa bàn thành phố để lắp đặt hệ thống điện mặt trời cung cấp điện phục vụ hoạt động của trụ sở đó. Việc triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời phải bảo đảm các yêu cầu về an toàn điện, an toàn phòng cháy chữa cháy; an toàn công trình xây dựng, phù hợp về mỹ quan, kiến trúc và môi trường theo quy định của pháp luật.