Tại buổi làm việc, cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1) cho biết, hàng năm, ngoài việc thực hiện các chế độ miễn, giảm học phí cho học sinh theo các quy định chung của thành phố, Trường THPT Trưng Vương còn thực hiện hỗ trợ học phí cho một số đối tượng học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Theo đó, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm tìm hiểu hoàn cảnh gia đình học sinh, đề xuất danh sách học sinh cần hỗ trợ học phí lên ban giám hiệu. Toàn bộ kinh phí hỗ trợ học phí cho các đối tượng này được lấy từ nguồn quỹ khuyến học của đơn vị.
“Tôi đề xuất ngoài các chính sách miễn, giảm học phí chung theo quy định của thành phố, cần có thêm cơ chế cho các đơn vị chủ động thực hiện hỗ trợ học phí cho các đối tượng học sinh chưa được hưởng chính sách miễn, giảm. Trong quá trình thực hiện, trường học thực hiện báo cáo gửi về Sở GD-ĐT TPHCM và chịu trách nhiệm về danh sách học sinh được miễn, giảm học phí”, cô Trương Thị Bích Thủy bày tỏ.
Theo thống kê của Phòng GD-ĐT quận 1, thời điểm hiện tại, 100% các trường ngoài công lập trên địa bàn quận đều đề xuất hỗ trợ học phí nhằm chia sẻ gánh nặng cho phụ huynh.
Theo ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, Sở GD-ĐT TPHCM đã rà soát, tổng hợp nhu cầu thực hiện chính sách hỗ trợ học phí theo Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND (ngày 19-10-2021) của HĐND TPHCM gửi Sở Tài chính TPHCM đề xuất cấp bổ sung dự toán kinh phí hỗ trợ.
Theo đó, tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ học phí học kỳ 1 năm học 2021-2022 được đề nghị Sở Tài chính TPHCM thẩm định dự toán bổ sung năm 2022 hơn 202 tỷ đồng.
Thông tin từ Sở Tài chính TPHCM cho biết, sở này đã có công văn gửi UBND TPHCM về bổ sung dự toán năm 2022 để chi hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố trong học kỳ 1 năm học 2021-2022.
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 29/2021/NQ-HĐND (ngày 9-12-2021) của HĐND TPHCM về chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập và ngoài công lập, học viên giáo dục thường xuyên trong học kỳ 2 năm học 2021-2022, tổng dự toán kinh phí thực hiện hơn 498 tỷ đồng.
Hiện nay, các cơ sở giáo dục đã báo cáo đầy đủ thông tin về chính sách hỗ trợ học phí cho phụ huynh, học sinh, qua đó bước đầu tạo dư luận tốt trong xã hội.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp một số khó khăn do tình hình học sinh đi học lại sau dịch Covid-19 ở các đơn vị ngoài công lập còn biến động, dẫn đến chậm trễ trong việc rà soát, báo cáo số lượng học sinh đi học thực tế.
Đến nay, năm học 2021-2022 sắp kết thúc nhưng kinh phí hỗ trợ học phí chưa được phân bổ về các trường.
Trước thực tế này, một cán bộ Sở Tài chính TPHCM gợi ý, các trường có thể linh động sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên phân bổ đầu năm để chi cho các hoạt động của đơn vị. Khi được phân bổ kinh phí cấp bù hỗ trợ học phí, nhà trường thực hiện chi chế độ, chính sách cho giáo viên.
Song, nhiều ý kiến tại buổi làm việc cho rằng, trong bối cảnh người lao động còn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá xăng dầu liên tục tăng cao tạo ra gánh nặng chi phí không nhỏ cho người dân, đời sống một bộ phận cán bộ, giáo viên gặp nhiều khó khăn, cần có cơ chế linh động nhằm sớm cấp bù kinh phí hỗ trợ giúp các thầy, cô yên tâm công tác.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM nêu ý kiến, hai nghị quyết về hỗ trợ học phí của HĐND TPHCM đã thể hiện sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo TPHCM, qua đó giảm bớt áp lực về chi phí cho người dân.
Tuy nhiên, quá trình triển khai cần được các sở, ngành rút kinh nghiệm, không cần chờ đến khi có thống kê số lượng học sinh đi học thực tế mới rà soát mà cần linh hoạt thực hiện nhằm sớm tháo gỡ khó khăn về kinh phí cho các đơn vị.
Tới đây, ngành giáo dục và đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu UBND TPHCM về chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh, ban hành cùng quyết định về mức thu học phí mới áp dụng từ năm học 2022-2023 thực hiện theo Nghị quyết 81 của Chính phủ.