Dự tại điểm cầu Thành ủy TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch
Tại cuộc họp, đồng chí Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, dù áp dụng nhiều biện pháp siết chặt hơn nhưng số ca bệnh vẫn có chiều hướng gia tăng. Từ 27-4 đến nay, TPHCM ghi nhận 46.178 trường hợp chủ yếu phát hiện ở các khu cách ly, khu phong tỏa. Hiện TPHCM đang điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới, trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO, có 441 trường hợp tử vong.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, thời gian qua, TPHCM chỉ đạo huy động toàn hệ thống chính trị từ TPHCM đến cơ sở để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. TPHCM đã thành lập các tổ công tác với mục đích đưa các hoạt động vào nề nếp, triển khai có hiệu quả. Phát động phong trào thi đua “Mở rộng vùng xanh trên bản đồ Covid-19” thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn TPHCM với mục tiêu vận động toàn thể nhân dân, toàn thể hệ thống chính trị TP cùng đồng lòng, chung sức, nỗ lực tham gia cùng chính quyền TP đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 trong vòng 15 ngày. TPHCM thành lập Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 với tổng số nhân sự lấy mẫu 4.456 người, tương ứng 2.228 đội. TPHCM cũng thay đổi phương thức lấy mẫu tại nhà với tổng công suất lấy mẫu tối đa mỗi ngày có thể đạt 334.000 - 445.000 mẫu/ngày.
Theo đồng chí Dương Anh Đức, trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, số ca bệnh trong khu cách ly, khu phong tỏa vẫn còn cao. Do đó, TPHCM tập trung thực hiện các biện pháp siết chặt quản lý, đảm bảo thực hiện giãn cách. Bên cạnh đó, mở rộng các khu cách ly tại các khách sạn, khu cách ly tập trung của TPHCM, khu cách ly tạp trung quận huyện, TP Thủ Đức.
“Để giảm áp lực tại các khu cách ly tập trung, TPHCM đã triển khai hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho các trường hợp F1 đủ điều kiện và theo dõi bằng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, giám sát cách ly tại nhà nhằm giúp giảm tải và giảm nguy cơ lây nhiễm chéo nếu có tại các khu cách ly tập trung, đồng thời tạo được tâm lý thoải mái cho người được cách ly”, Phó Chủ tịch UBND TPHCM thông tin.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhằm giảm áp lực cho các bệnh viện điều trị Covid-19, UBND TPHCM hướng dẫn phối hợp tổ chức cơ sở cách ly tập trung cho đối tượng F0 trên địa bàn TP Thủ Đức, quận huyện, phường-xã-thị trấn. Hiện nay công tác thu dung và điều trị người bệnh Covid-19 được thực hiện theo hệ thống 5 tầng điều trị. Về tổng số nhân lực ngành y tế đang tham gia chống dịch trên địa bàn TPHCM là 14.129 nhân sự, trong đó đội ngũ y, bác sĩ của TPHCM là 10.022 người, Trung ương và các tỉnh thành hỗ trợ là 4.107 người.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM, TPHCM đang khởi động chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều đợt 5 trong thời gian 2-3 tuần từ ngày 22-7 để không chịu áp lực về thời gian hoàn thành mục tiêu nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện về giãn cách. Những điểm tiêm nào chưa đảm bảo an toàn thì sẽ chưa triển khai, nhằm tránh sự lây nhiễm dịch bệnh. Đối tượng ưu tiên tiêm vaccine phòng Covid-19 đợt này là người lớn tuổi (trên 65 tuổi) và người mắc bệnh nền; tổ chức đồng loạt tại các quận huyện, TP Thủ Đức. Đến nay, TPHCM đã triển khai tiêm được 991.872 liều vaccine, trong đó 943.251 người mũi 1 và 48.657 người mũi 2.
Đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu
Về đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, sản lượng cung ứng hàng hóa cho thị trường TPHCM trung bình hơn 5.000 tấn/ngày. TPHCM cũng nâng khả năng dự trữ hàng hóa lên 120.000 - 150.000 tấn/tháng. Tính đến ngày 22-7, TPHCM tổ chức được 798 điểm bán với 886 lượt xe bán hàng lưu động phân bổ trên địa bàn các quận, huyện, TP Thủ Đức.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp mở kênh bổ trợ, chuỗi cung ứng “linh hoạt” phục vụ kịp thời nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân với hơn 1.000 điểm bán/ngày, giá cả hợp lý. Để từng bước khôi phục hoạt động của chợ truyền thống, TPHCM triển khai mô hình “App đặt lịch đi chợ dành cho người dân”, “Tổng đài đặt lịch đi chợ”. Mô hình này sẽ triển khai nhân rộng thực hiện đồng bộ cho các chợ truyền thống trên địa bàn.
Về đảm bảo giao thông, TPHCM đã cấp phiếu nhận diện được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 (có mã QR Code) cho 18.658 xe với 549 đầu mối doanh nghiệp. Qua đó, đảm bảo lưu thông xuyên suốt trên địa bàn TPHCM và ưu tiên (theo luồng xanh) khi qua các trạm kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh phía Nam. TPHCM cũng tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch bệnh.
Hiện nay, TPHCM tổ chức 12 chốt, trạm của TPHCM và tiến hành tổng kiểm soát hơn 1,4 triệu lượt phương tiện các loại, kiểm tra gần 1,4 triệu lượt người. Qua đó, lập biên bản xử phạt hơn 4.900 trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch với tổng sối tiền 10,4 tỷ đồng. Bộ Tư lệnh TPHCM đang mở đợt cao điểm phối hợp với lực lượng hoá học của Quân khu 7, Bộ Quốc phòng và lực lượng hóa học TPHCM triển khai đợt phun khử khuẩn diện rộng toàn TPHCM.
Nhận xét về một số điểm còn hạn chế, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, dù TPHCM cố gắng kiểm soát tình hình dịch trên địa bàn nhưng số ca nhiễm vẫn còn tăng cao; đa số là tại các khu phong tỏa. Điều này cho thấy việc quản lý tại các khu phong tỏa còn chưa chặt chẽ, bộc lộ một số hạn chế. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả. Trong khi đó, chuỗi cung ứng bị khó khăn dẫn đến chi phí vận chuyển hàng từ các tỉnh về TPHCM tăng, giá cả biến động tăng mạnh tại một số điểm bán. Có tình trạng một số chủ doanh nghiệp không thực hiện cùng ăn, cùng ở với công nhân mà vẫn đi về hàng ngày; điều này được xác định là mối nguy cơ lây lan dịch bệnh.
281.000 lao động tự do đã nhận hỗ trợ 422 tỷ đồng Hiện TPHCM có 1.282 doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa cách ly, với tổng số trên 84.000 lao động. TPHCM đã khẩn trương, kịp thời triển khai hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Cụ thể, 281.000 người lao động tự do (100%) đã nhận hỗ trợ với số tiền 422 tỷ đồng; gần 50.000 lao động ngừng việc, nghỉ việc (61%) được hỗ trợ với số tiền 61 tỷ đồng. Gần 5.000 hộ kinh doanh (99%) nhận hỗ trợ gần 10 tỷ đồng và hơn 10.000 điểm kinh doanh tại chợ truyền thống (80%) nhận hỗ trợ hơn 15 tỷ đồng. Bên cạnh hỗ trợ từ ngân sách TPHCM, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã hỗ trợ cho người lao động khó khăn với số tiền gần 236 tỷ đồng. Đến nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã tiếp nhận số tiền hơn 1.828 tỷ đồng. Quỹ Ủng hộ mua vaccine phòng dịch Covid-19 đã có 105 đơn vị, cá nhân đăng ký ủng hộ số tiền gần 2.300 tỷ đồng; đã tiếp nhận ủng hộ 287 tỷ đồng. TPHCM cũng triển khai Kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 qua Cổng thông tin 1022. |