TPHCM: Số ca tử vong do Covid-19 giảm sâu, duy trì ở một con số
SGGPO
Chỉ trong 3 ngày (8, 9 và 10-2), số ca mắc Covid-19 mới có xu hướng tăng với 242 ca, nhưng qua theo dõi, các ca bệnh nặng, thở máy, số ca tử vong không tăng, thậm chí giảm do quá trình điều trị tốt.
Chiều 10-2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình dịch bệnh và các vấn đề liên quan tới Tết nguyên đán Nhâm Dần, dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, kiêm Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM.
Đồng chí Phạm Đức Hải chủ trì buổi họp báo chiều 10-2
Tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, sau những tháng dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2021, người dân TPHCM đã hưởng một cái tết cổ truyền trọn vẹn. Đó là nhờ sự chuẩn bị chu đáo của các cấp chính quyền và tuân thủ quy định phòng chống dịch của người dân. Đáng mừng nhất, qua biểu đồ theo dõi tình hình dịch của ngành y tế cho thấy, trước tết, số ca mắc mới luôn duy trì ở mức 3 con số. Nhưng từ ngày 4 đến 7-2, số ca mắc mới giảm chỉ còn 2 con số, đặc biệt, ngày 5-2 thành phố chỉ có 24 ca. Cùng với đó, số ca tử vong cũng giảm sâu khi thành phố duy trì dưới 10 trường hợp. Ngày có số ca tử vong cao nhất là 4-2 (mùng 4 tết) với 6 ca.
“Hiện ngành y tế thành phố đang điều trị cho 618 bệnh nhân, trong đó có 35 trẻ dưới 16 tuổi, 88 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân phải can thiệp bằng ECMO, 92 ca mắc biến thể Omicron. Thành phố đã tiêm hơn 661.000 liều vaccine bổ sung và hơn 3,9 triệu mũi nhắc lại cho người dân”, đồng chí Phạm Đức Hải thông tin.
Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin tại buổi họp báo
Nói thêm về số ca mắc Covid-19 mới đang có xu hướng tăng nhanh trở lại sau thời gian giảm sâu trong kỳ nghỉ tết, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết, chỉ trong 3 ngày (8, 9 và 10-2), số ca mắc mới có xu hướng tăng với 242 ca. Nhưng qua theo dõi, các ca bệnh nặng, thở máy, số ca tử vong không tăng, thậm chí giảm do quá trình điều trị tốt. Theo Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM, đây là cơ sở để ngành y tế thành phố sắp xếp lại các bệnh viện dã chiến, thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19, như: Trung tâm Hồi sức Covid-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 (TP Thủ Đức) sẽ giải thể, hoàn thành sứ mệnh; phục hồi công năng khám chữa bệnh thông thường cho các bệnh viện: Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện huyện Củ Chi… và chỉ thành lập Khoa điều trị Covid-19 trong các bệnh viện này.
Đồng thời, giải thể 3 bệnh viện dã chiến gồm: Bệnh viện dã chiến số 6, số 8 và số 12. Giải thích về việc Sở Y tế giải thể Bệnh viện dã chiến số 12, nơi được trưng dụng điều trị bệnh nhân mắc biến thể Omicron, Chánh Văn phòng Sở Y tế cho hay: “Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, việc quản lý các ca mắc Omicron không chỉ riêng một bệnh viện dã chiến, mà người dân có thể đến các cơ sở y tế tư nhân hoặc cách ly tại nhà nếu có nhu cầu và đủ điều kiện. Vì vậy, Sở Y tế nhận thấy Bệnh viện dã chiến số 12 xem như đã hoàn thành sứ mệnh và trong thời gian tới sẽ được giải thể, ngưng hoạt động”.
Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM Trịnh Duy Trọng thông tin tại buổi họp báo
Liên quan đến việc ngày 14-2, học sinh bậc mầm non và tiểu học của thành phố sẽ đi học trực tiếp trở lại, nhưng hiện đang thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM Trịnh Duy Trọng khẳng định, các cơ sở giáo dục mầm non và tiểu học hệ công lập không thiếu giáo viên. Chỉ có một số trường mầm non ngoài công lập do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên một số giáo viên, bảo mẫu về quê tránh dịch chưa trở lại thành phố. Tuy nhiên, với số phụ huynh đăng ký cho trẻ đến trường từ ngày 14-2 thì các cơ sở giáo dục này đáp ứng được và đảm bảo công tác phòng chống dịch an toàn cho học sinh.