TPHCM: Số ca mắc sốt xuất huyết tăng, bệnh tay chân miệng giảm nhẹ

Trong tuần qua, TPHCM ghi nhận 167 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 31% so với trung bình 4 tuần trước đó. Bệnh do virus Dengue gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn.

Ngày 23-7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, tuần qua, TPHCM ghi nhận 404 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (giảm 2% so với trung bình 4 tuần trước). Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến ngày 21-7 là 8.627 ca.

Trong tuần 29, TPHCM cũng ghi nhận 167 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (SXH), tăng 31% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến ngày 21-7 là 4.599 ca.

SXH NHI DONG 2.jpg
Bệnh sốt xuất huyết có thể gây biến chứng nguy hiểm cho trẻ nhỏ

Theo các chuyên gia y tế, SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể gây thành dịch. TPHCM là một trong những địa phương có số ca mắc SXH cao nhất trong cả nước. Trong đợt dịch SXH lớn tại khu vực phía Nam vào năm 2022, TPHCM ghi nhận 81.884 ca mắc, 29 ca tử vong. Khi mùa mưa bắt đầu, dự báo số ca mắc có xu hướng gia tăng từ tháng 5 đến tháng 11. Công tác phòng chống SXH cần phải được cả cộng đồng chung tay thực hiện thường xuyên.

Sở Y tế TPHCM lưu ý các địa phương xử phạt nghiêm tổ chức, cá nhân còn để phát sinh lăng quăng sau nhiều lần giám sát, nhắc nhở. Đồng thời, cần xem đây là một giải pháp quan trọng để nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác phòng chống dịch bệnh nguy hiểm.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần thường xuyên tìm và loại bỏ nơi muỗi vằn đẻ trứng. Các biện pháp xử lý phù hợp đối với từng loại vật chứa như sau:

+ Đối với các vật chứa nước có mục đích để phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày: Đậy kín xô, thùng, hồ chứa nước sinh hoạt khi không sử dụng và súc rửa thường xuyên. Thay nước và súc rửa thường xuyên đối với bình hoa, đĩa lót chậu kiểng, ly nước cúng; thả cá bảy màu ăn lăng quăng ở hòn non bộ, cây thủy sinh…

+ Đối với các vật chứa nước có mục đích phục vụ cho sinh hoạt nhưng không sử dụng thường xuyên, phải có biện pháp sắp xếp, che chắn, không để ứ đọng nước.

+ Đối với các vật chứa nước không có mục đích sử dụng (phế liệu có thể loại bỏ ngay), thu gom và loại bỏ ngay.

Tin cùng chuyên mục