Đề án nêu rõ, TPHCM là đô thị đặc biệt với dân số và quy mô lớn nhất Việt Nam, đóng góp khoảng 28,3% tổng thu ngân sách hàng năm của cả nước (giai đoạn 2011-2022). Việc khai thác tốt tiềm năng phát triển của TPHCM, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Trong những năm qua, mô hình tăng trưởng kinh tế TPHCM đã và đang chuyển dịch đúng hướng, với 9 ngành dịch vụ chủ lực gồm bán buôn, bán lẻ; vận tải, kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động kinh doanh bất động sản; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.
Mục tiêu đặt ra, giai đoạn 2021-2030, tốc độ tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) bình quân ngành dịch vụ của TPHCM duy trì 8,6%/năm. Giai đoạn 2030-2040 và định hướng đến năm 2050, khu vực dịch vụ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo Sở Công thương TPHCM, việc xây dựng đề án là yêu cầu cấp thiết giúp TPHCM vượt qua các vướng mắc, hạn chế còn tồn tại và tạo đà bứt phá trong tương lai; định hướng đưa TPHCM thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước, cũng như khu vực Đông Nam Á và Châu Á.