Ngày 9-12, kỳ họp thứ tám HĐND TPHCM khóa X tiếp tục với nội dung giám sát chuyên đề tại kỳ họp về việc thực hiện Nghị quyết 131 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
Thảo luận tại hội trường, ĐB Lê Minh Đức cho rằng, hệ thống thông tin của các sở ngành địa phương đã đầu tư từ lâu, chưa phù hợp với khung kiến trúc chính quyền điện tử. ĐB nói thêm, đô thị thông minh thời gian qua có vẻ chậm. Ngoài ra, qua giám sát một số địa phương có nhu cầu điều chỉnh quy hoạch phân khu trên địa bàn, nhưng việc này cũng triển khai rất chậm.
ĐB Lê Minh Đức. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trả lời ĐB, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết, TPHCM thực hiện chính quyền đô thị 2 năm thì có một số tồn tại. Vì vậy, UBND TPHCM sẽ có các giải pháp hoàn thiện hơn để chính quyền đô thị đi vào hoạt động hiệu quả hơn.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết thêm, chính quyền điện tử và chính quyền đô thị cần song hành với nhau để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Khi thực hiện chính quyền đô thị thì việc xây dựng chính quyền điện tử càng trở nên cần thiết. Dù hệ thống công nghệ thông tin rất lớn nhưng còn lạc hậu.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan trả lời các đại biểu. Ảnh: VIỆT DŨNG
“Phần mềm lạc hậu, hệ thống chưa đồng bộ, thiếu tính kết nối, các thủ tục cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 còn ít, chưa kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia…”, đồng chí Võ Văn Hoan chỉ ra những hạn chế.
Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, thành phố đang chỉ đạo theo hướng, thống nhất về hạ tầng, về dữ liệu và tích hợp dữ liệu, thống nhất nội dung để đưa vào các dịch vụ công phục vụ người dân. Trên cơ sở đó, TPHCM đang khởi động tích hợp với Cổng dịch vụ công Quốc gia, số hóa một số nội dung có liên quan đến đất đai, quy hoạch, xây dựng, GTVT, gắn liên kết với các ngành như đất đai, thuế…
Về nguồn lực, Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định TP cần nguồn lực rất lớn. Ngoài nguồn ngân sách TPHCM để xây dựng nền tảng ban đầu, cần có sự tham gia của doanh nghiệp và người dân. Về lâu dài, theo ông Võ Văn Hoan, TPHCM tính toán đến việc phải thuê dịch vụ của các doanh nghiệp.
Về phân cấp ủy quyền, trước khi có chính quyền đô thị đã có phân cấp rồi. Đối với TP Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, rất muốn chính quyền TP Thủ Đức có thẩm quyền nhiều hơn so với chính quyền cấp quận. Cho nên, TPHCM đã có kiến nghị Trung ương, đưa vào dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó Chủ tịch TPHCM được phép phân cấp ủy quyền nhiều hơn cho Chủ tịch UBND TP Thủ Đức. Đồng thời điều chỉnh một số chức năng nhiệm vụ của sở ngành TPHCM để giao cho TP Thủ Đức quyết định trên cơ sở tham mưu của phòng ban chuyên môn…
ĐB Cao Thanh Bình. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cũng liên quan đến TP Thủ Đức, ĐB Cao Thanh Bình đặt câu hỏi về việc toàn TPHCM có 17 dự án giãn tiến độ, tạm ngưng thực hiện. Trong đó tại TP Thủ Đức có đến 11 dự án gồm 5 dự án trường học, 6 dự án đường giao thông.
Thông tin lại, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nhìn nhận, thời gian khi thành lập TP Thủ Đức có ách tắc một số công việc, cần phải chấn chỉnh.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng. Ảnh: VIỆT DŨNG
TP Thủ Đức đã có nhiều giải pháp để cải tiến quy trình làm việc, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ cho người dân. Đến nay có 68/82 thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4. Trong năm 2023 cơ bản sẽ hoàn thành cung cấp đầy đủ các thủ tục này.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức chia sẻ, hiện nay danh mục đầu tư công trung hạn của TP Thủ Đức đa phần là các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước. Các dự án mới rất ít. 11 dự án giảm hoặc hoãn tiến độ là do TPHCM cần tập trung cho nhiều dự án khác, tạm thời cân đối lại vốn và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.
“TP Thủ Đức sẽ cùng các ngành nỗ lực để đảm bảo tiến độ giải ngân và chất lượng xây dựng các dự án, giải ngân được các dự án lớn như Vành đai 3 và các dự án quan trọng khác”, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cam kết.