Báo cáo tại buổi giao ban, GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, đến nay, TP ghi nhận 54 ca mắc Covid-19 đã được Bộ Y tế công bố (35 ca nhập cảnh và 19 ca phát hiện từ cộng đồng). Trong đó, 46 ca đã xuất viện, 8 ca đang tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Điều trị Covid-19, Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.
Tình hình sức khỏe bệnh nhân thứ 91 (là phi công người Anh) đang điều trị tích cực tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM, các chỉ số sinh tồn ổn định, không sốt, tiếp tục thở máy, tình trạng rối loạn đông máu đang được kiểm soát. Các bệnh nhân còn lại sức khỏe ổn định, đang được theo dõi điều trị.
Trong ngày 17-4, TP có 5 trường hợp nghi ngờ và đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, trong đó có 3 trường hợp có kết quả âm tính và 2 trường hợp chờ kết quả xét nghiệm; có 98 trường hợp đang được cách ly tại các khu cách ly tập trung của TP và 183 trường hợp đang đươc cách ly tại nhà, nơi lưu trú.
Ngày 17-4, có 8 chuyến bay quốc tế đến TPHCM, ngành y tế đã tiến hành khai báo y tế đối với 29 người là thành viên tổ bay và có 7 chuyến bay quốc nội, khai báo y tế 1.507 người (tổ bay 38 người), lấy mẫu xét nghiệm 1.469 hành khách.
Hiện TP đã tổ chức xét nghiệm sàng lọc giám sát cho 1.396 công nhân của các khu công nghiệp, tất cả đều có kết quả âm tính. Thời gian tới, ngành y tế TPHCM sẽ tiếp tục giám sát các cửa ngõ TP, thực hiện xét nghiệm tầm soát Covid-19 đối với hành khách tại ga quốc nội, ga đường sắt Sài Gòn (số lượng tổng cộng 1.500-2.000 người/ngày); đối với công nhân tại các khu lưu trú của khu công nghiệp, khu chế xuất (gần 7.000 người); đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ trong cộng đồng gần 3.000 người (sẽ xét nghiệm dân cư cộng đồng tại quận 2); ước lượng tổng cộng gần 10.000 người.
Từ kết quả xét nghiệm tầm soát, ngành y tế đề ra mục tiêu trên nhóm nguy cơ trong cộng đồng để có kế hoạch phòng, chống dịch phù hợp trong giai đoạn mới có tính lâu dài. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ tự đánh giá của các doanh nghiệp và hoạt động thẩm định, kiểm tra của cơ quan quản lý, cơ quan y tế đối với các doanh nghiệp sản xuất theo Bộ chỉ số, hoàn tất trước ngày 25-4.
Theo GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, ngành y tế TP cũng tăng cường triển khai rà soát và quản lý người có nguy cơ với dịch Covid-19 từ nơi khác vào TP đang lưu trú, cư trú trong cộng đồng địa phương, đặc biệt là những trường hợp về từ nước ngoài theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Tiếp tục củng cố, sắp xếp lại năng lực ứng phó của ngành y tế trong phòng, chống dịch bệnh đối với Covid-19 và cả các dịch bệnh đang lưu hành tại TP; tăng cường cơ sở vật chất, nguồn nhân lực để đáp ứng việc thu dung điều trị người bệnh. Cùng với đó, tái sắp xếp và củng cố điều kiện của các khu cách ly tập trung để chuẩn bị cho giai đoạn mới.
Kiểm tra các chợ, siêu thị về đảm bảo khoảng cách 2m
Phát biểu tại buổi giao ban, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu biểu dương các sở, ngành, quận, huyện đã thực hiện tốt Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 và các chỉ đạo của TPHCM về phòng, chống dịch bệnh.
Các quận, huyện đã giám sát, xử lý nhiều trường hợp vi phạm: tung tin sai sự thật, tin giả làm hoang mang dư luận; làm khẩu trang không đảm bảo chất lượng; không đeo khẩu trang nơi công cộng; không tuân thủ quy định hạn chế ra đường…
Đánh giá kết quả phòng, chống Covid-19 tại TPHCM đang rất tốt, song Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cũng lưu ý, gần đây, có tình trạng lơ là trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
“Buổi sáng, lúc lực lượng chức năng chưa đi kiểm tra, một số quán cà phê bắt đầu mở lại, có 5-7 người ngồi. Nhiều nhóm nhậu tự phát ven đường. Người đi xe máy chấp hành đeo khẩu trang, còn nhiều người đi bộ lại không đeo khẩu trang. Độ giãn cách ở các chợ truyền thống đang không đảm bảo, người mua người bán không giữ khoảng cách 2m như quy định mà đã… xích lại, gần nhau như cũ”, đồng chí Ngô Minh Châu chỉ rõ và yêu cầu các quận, huyện kiểm tra, nhắc nhở kịp thời, tránh tình trạng giai đoạn cuối làm không kỹ sẽ phá vỡ công sức cả quá trình dài đã làm tốt phòng, chống dịch bệnh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Ngô Minh Châu cũng lưu ý tình trạng đường vắng, lái xe đi nhanh, lại thiếu chú ý nên đã dẫn tới tăng 10% số vụ tai nạn giao thông. Đồng chí Ngô Minh Châu yêu cầu ngành công an nắm tình hình, ngăn chặn các trường hợp vi phạm tốc độ, nhất là các vụ đua xe.
Tán đồng với các lưu ý của đồng chí Ngô Minh Châu, trong phát biểu kết luận giao ban, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm giao Sở Công thương TPHCM phối hợp với các đơn vị và quận, huyện kiểm tra tình hình hoạt động tại các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, siêu thị lớn về việc chấp hành các quy định trong phòng, chống dịch bệnh, nhất là việc đảm bảo khoảng cách, cự ly 2m giữa người mua người bán; Sở Xây dựng TPHCM và các quận, huyện kiểm tra việc tụ tập đông người ở công viên để tập thể dục buổi sáng.
“Các sở, ngành, quận, huyện cần đi kiểm tra đột xuất, đi từ ngay buổi sáng. Không được chủ quan, không được lơ là trong phòng, chống dịch bệnh”, đồng chí Lê Thanh Liêm nhắc nhở. |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm giao Sở GD-ĐT xây dựng bộ tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 ở các trường học. Một số sở, ngành khác, UBND TPHCM sẽ có văn bản chỉ đạo chính thức về việc xây dựng bộ tiêu chí an toàn để các nhà hàng, khách sạn, vũ trường, karaoke, rạp hát, rạp chiếu phim… có thể hoạt động trở lại. Trong đó, chỉ rõ tiêu chí hoạt động trở lại là như thế nào trong bối cảnh công tác phòng, chống dịch bệnh không tính bằng tuần mà có thể kéo dài hơn.
Dẫn chứng số liệu số ca nhiễm Covid-19 tăng hàng ngày trên thế giới với quy mô 30.000-50.000 ca/ngày, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm yêu cầu các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31-3 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của TPHCM về phòng, chống dịch bệnh; phát hiện sớm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch, hạn chế thấp nhất xảy ra trường hợp nhiễm bệnh và lây lan trong cộng đồng.